Tháng giêng đi hái lộc rừng

Sau Tết Nguyên đán, sau những ngày hòa điệu tâm hồn vào những lễ hội truyền thống, tiết trời ấm áp hơn, mưa xuân lất phất khiến cho người ta nghĩ đến thú đi hái lộc rừng. Lộc non, lộc biếc đầu xuân mang đến cho tâm hồn mỗi người sự thảnh thơi và êm dịu…


Khi cánh én đi trú đông về chao lượn trên bầu trời là mùa xuân đã về, tiết trời ấm áp, từng làn mưa xuân lất phất tưới vào những thân cành khẳng khiu làm cho chúng choàng tỉnh để đón xuân. Từ đầu các thân cành, lộc biếc bắt đầu nhu nhú cựa mình nảy mầm. Khắp núi rừng ca vang bài ca sinh tồn của giống loài cỏ cây. 


Tháng giêng về, có người thích lên núi hái lộc, mầm lộc của đầu năm, của núi rừng ban tặng. Không mang giá trị vật chất, lên rừng hái lộc là một cái thú để làm cho tâm thế con người thêm khỏe khoắn và được thả hồn mình với núi rừng. Sau Tết Nguyên đán với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành và những đồ ăn giàu chất đạm, người ta muốn lên núi kiếm chút dư vị của rừng để lấy lại vị giác.


Mùa này, người ta hay đi hái rau đắng cải, một loại rau dại hay mọc ven rừng, ven suối và cả trên núi cao. Gọi là đắng cải vì loại rau này có vị đắng ngắt, khi tiết trời có sấm nó lại càng đắng hơn. Nhưng sau Tết vài ngày, đắng cải mới nhu nhú lộc chi chít thân cành với đôi ba lá non mấn nên vị của nó chưa đắng lắm mà chỉ bùi bùi ngăm ngăm. Đắng cải sau Tết vừa non vừa mềm nên khi hái lộc, phải nhẹ tay tách mầm lá, không để cho cành gẫy. Hái được hai ba nắm chặt tay đắng cải, cho vào túi mang xuống núi để thưởng thức. Đắng cải chao qua chảo mỡ nóng đôi ba phút tái đi là dùng được.


Có lẽ cả năm, người ta mới được thưởng thức một lần vị ngon của đắng cải. Lá rau lộc non xanh ngắt, mỡ lợn bóng loáng chao lên lá rau làm tăng thêm độ hấp dẫn của lộc rừng. Chỉ cần ăn miếng đầu tiên, người ta như lùa cả tinh túy của núi rừng vào hồn mình. Vị đắng nơi đầu lưỡi như xua tan đi mệt nhọc và lấy lại chút dư vị của rừng. Đắng cải vừa là rau rừng, vừa là một vị thuốc nam rất bổ dưỡng cho máu và xương. Do vậy, từ lâu lắm rồi, người ta vẫn không quên hái vị đắng ngon này vào độ tháng giêng.


Tháng giêng về, trên những nương đốt của người dân chuẩn bị trồng cây, từ đất pha tro gặp làn mưa xuân, nhú lên muôn cây cỏ. Dưới sát đất, rau má, cứ thế mà mâm mấm mọc lên. Rau má là thuốc quý và là món rau ngon sạch của rừng. Rau má mọc sát đất, mọc thành từng cụm nhỏ nên phải dùng dao nhỏ để xén cả rễ. Lá rau non mướt, cọng trắng ngần, mọng nước. Đấy là lúc rau ngọt và mềm nhất. Rau má phải đào cả rễ, ăn cả rễ mới bổ, mới ngọt. Nhổ được lộc rau má rồi, xuống núi, người ta không quên bắt vài con cá suối đuôi hồng nhỏ để làm món chấm rau. Vị ngon ngọt, ngăm đắng và thơm của rau má có lẽ phù hợp nhất với món mẻ chưng cá suối đuôi hồng. Mâm cơm tháng giêng vì thế có thêm vị ngon giòn của rừng. Rau má non ăn sống vừa giòn vừa mát, cái vị mát thanh làm thấu đến tận tâm hồn người thưởng thức.


Thú nhất trong tháng giêng vẫn là thú rủ nhau đi đào măng rừng. Trong Tết mưa nhiều, đất núi mềm và ẩm nên cây vầu cựa mình mọc măng non. Từ trong lòng đất sâu, măng uống ngụm mưa xuân đội đất mà lên. Sau Tết, những chú măng non nhu nhú dưới mặt đất. Người ta cầm thuổng nhỏ đi tìm chỗ đất nứt để đào măng. Phải là măng đào từ khi còn dưới đất mới ngọt, mới mềm chứ nếu để măng mọc trồi lên khỏi mặt đất, gặp sấm là đắng ngắt. Những ngọn măng mình vàng đất, nhỏ hơn cổ tay một chút, lõi trắng ngần. Người ta bóc lộc măng rừng bỏ vào nồi luộc rồi chấm với mẻ chưng hay muối giềng, lộc măng nướng trên bếp than hồng cũng khá cầu kỳ và thơm ngon.


Trên núi cao, người dân sau tháng giêng thường đi hái chít. Mùa này, chít mọc tua tủa nơi ven rừng, cả ven đường đi. Trước Tết, chít trổ bông mới nhu nhú, qua Tết, gặp mưa xuân, chít trổ bông hết mình. Từng sợi chít lấn phấn xanh ngắt cong vút bên vệ rừng. Người vùng cao dùng móc dài ngoắc lấy từng bông chít đang độ bánh tẻ. Người ta chỉ lấy chít trong tháng giêng vì nếu để quá chít sẽ bị già, khi khô sẽ giòn và dễ gãy. Chít tháng giêng vừa mềm, vừa dai và bền nên lộc chít dùng để bện chổi dùng cho cả năm. Chiều tháng giêng, trong làn mưa xuân còn đọng trên cành lá, những cô sơn nữ Tày, Mông gùi trên lưng những bó chít còn tươi nguyên như gùi lộc rừng về bản.


Tháng giêng, tháng đầu tiên của năm mới, mùa cây lá và vạn vật sinh sôi nảy nở, người ta như muốn mang chút sắc tươi non của rừng của núi về nhà. Mùa này, trong những món ẩm thực quen thuộc lại có thêm chút dư vị của lộc rừng mà người ta lặn lội lên núi hái về. Hái lộc rừng tháng giêng mong được hòa mình cùng thiên nhiên đất trời để lắng nghe vạn vật đang cựa mình trỗi dậy cùng mùa xuân!



Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN