Nói theo…

Người xưa khuyên ta “Học ăn, học nói”. Nhưng xem ra ngày nay “học nói” thì ít mà nói theo thì nhiều. Những câu nói, những cụm từ của những người có uy tín một khi đã được nói ra thì nó được rất nhiều người nói theo, dùng lại. Có những người cảm thấy cụm từ đó hay, sâu sắc thì dùng theo. Có những kẻ xu nịnh, bợ đỡ lấy lòng thì nói theo bởi cấp trên của mình đã dùng nó.

 

Có người lặp lại những cụm từ ấy vì muốn khoe mẽ, tỏ vẻ ta đây cũng hiểu biết sâu sắc, nhạy bén theo thời cuộc. Nhưng đa số là nói theo quán tính. Tại họ nghe cụm từ đó nhiều lần, ngấm vào óc rồi dần dà từ ngữ đậu sẵn trên đầu lưỡi. Nên mỗi lần họ mở miệng ra thì cụm từ kia lại thốt lên thành lời, chẳng có cách nào giữ lại được.


Đã có một thời gian cụm từ “phối kết hợp” được người ta dùng tràn lan. Trung ương, địa phương “phối kết hợp”. Nhà máy, công trường “phối kết hợp”. Cơ quan, đoàn thể “phối kết hợp”. Thậm chí việc giữa nhà trai với nhà gái cũng phải “phối kết hợp” thì mới thành công. Cụm từ này được dùng nhiều đến nỗi có rất nhiều giai thoại sinh ra cũng từ cái sự “phối kết hợp” ấy. May thay bây giờ người ta đã ít “phối kết hợp” đi rồi.


Gần đây, một cụm từ khác lại được sử dụng với mật độ ngày càng dày đặc. Từ các phương tiện thông tin đại chúng cho đến các bài phát biểu trong hội nghị lớn nhỏ, các cuộc trả lời phỏng vấn ngắn dài. Cụm từ ấy được phát ngôn bởi các quan chức, những người cán bộ thừa hành cho đến cả người dân. Ở mọi chỗ, hễ cứ nói về việc giải quyết một vấn đề nào đó thì câu chốt lại sẽ là: “phải huy động cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt”.


Người nghe thường tự hỏi: “ai, cơ quan nào mới có đủ thẩm quyền và năng lực huy động cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc?”. Kêu gọi mọi người cùng vào cuộc thì phải chăng tất cả còn đang đứng ở ngoài. Đành rằng các cơ quan quản lý cấp trên nói như thế là sẽ có những biện pháp trực tiếp hơn để quản lý công việc đặt ra. Nhưng nếu câu nói ấy được những cấp thấp hơn nói thì chẳng lẽ các cơ quan quản lý trực tiếp, những người trực tiếp thừa hành công việc cũng vẫn luôn đứng ở đâu đó chứ không phải là người trong cuộc.

 

Nếu mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức luôn tự đặt mình là người ngoài cuộc, chỉ thực sự quyết liệt sau khi mọi việc đã xảy ra chứ không phải trong công việc mỗi ngày thì ngẫm thấy cũng vô cùng thiếu trách nhiệm. Nếu họ mỗi ngày làm tròn chức năng, nhiệm vụ được giao thì sẽ không có chuyện cứ có vấn đề xảy ra mới hô hào nhau “vào cuộc”. Xem ra lời nhận định của một vị đại biểu quốc hội rằng “có 30% cán bộ công chức ngồi chơi xơi nước” vẫn chưa thật chính xác.


Lại nhớ chuyện xưa, quê tôi ngày xuân thường mở hội. Trò chơi mà mọi người thích nhất là trò cướp cầu. Quả cầu là một củ cây chuối hột thật to, được gọt tròn nhẵn nhụi. Sân chơi là cánh đồng vừa gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ và xâm xấp nước. Một đầu cánh đồng đào một lỗ và cắm lá cờ đuôi nheo làm đích. Tất cả mọi người già, trẻ, trai, gái đều được tham gia nhưng đa phần là thanh niên khỏe mạnh. Người chơi phải tranh cướp quả cầu để đưa từ giữa sân chơi về lỗ đích. Sau hồi trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi bắt đầu, mọi người cùng lao vào cuộc. Ai cũng muốn mình là người mang được cầu về đích. Rất nhiều lần khi hồi trống thu quân vang lên, vẫn chẳng có bên nào mang nổi quả cầu về đích, thậm chí nó còn nằm cách xa đích hơn so với khi bắt đầu cuộc chơi.


Chuyện nay, xin hãy điều hành và trực tiếp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng giống như cách vận hành quy củ, ngăn nắp và mẫn cán của một chiếc đồng hồ chứ đừng bắt nó vận hành theo cách chơi của hội cướp cầu.


Vì thế, con người không chỉ “học ăn, học nói” mà cả nói theo người khác cũng vẫn rất cần phải học.

 

Thế Minh

Khi người đẹp ứng xử
Khi người đẹp ứng xử

Phần thi ứng xử của các thí sinh tham dự Vòng chung kết cuộc thi “Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 3 - 2013” đã diễn ra chiều tối ngày 18/6. Đây có lẽ là phần thi được nhiều người quan tâm nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN