Nhớ tết mùng 5 tháng năm

Đã trở thành thông lệ hằng năm, cứ đến gần ngày mùng 5 tháng năm âm lịch, người dân quê tôi rộn rã chuẩn bị cho Tết Đoan ngọ.


Ca dao Việt Nam có câu “Tháng tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm”. Theo phong tục truyền lại, Tết mùng 5 là cái tết mở đầu cho một ngày nóng nhất trong năm. Đây cũng là ngày thời tiết nóng bức nên sẽ là cơ hội cho sâu bọ sinh sôi nảy nở nhanh, làm hại mùa màng và con người. Vì thế, từ lâu, Tết mùng 5 còn được người dân gọi với cái tên dân dã là Tết “giết sâu bọ”.


Sinh ra và lớn lên ở vùng thôn quê, tôi nhớ như in những hoạt động diễn ra trong ngày mùng 5 tháng năm âm lịch. Sáng sớm ngày mùng 5 tháng năm, ngay sau khi thức dậy, mỗi người phải tự mình làm những thủ tục để diệt sâu bọ. Tôi nhớ khi chúng tôi nhỏ tuổi, còn nằm ngủ trên giường, khoảng 4-5 giờ sáng, bà tôi lấy vôi ở bình quệt vào tay rồi lần lượt quệt lên lòng bàn chân, lòng bàn tay, lên cổ và lên trán từng đứa một. Chúng tôi hỏi bà làm thế để làm gì, bà bảo để cho sâu bọ bị tiêu diệt, không bò lên mọi người nữa. Mọi người sáng ngủ dậy phải xúc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, rồi mới được ra khỏi giường. Sau đó, mẹ múc cho mỗi người một bát con rượu nếp vừa ăn sáng vừa “làm phép” để giết sâu bọ. Tiếp đó, mọi người trong gia đình tôi ăn các loại hoa quả có vị chua để làm sạch dạ dày, xua đuổi sâu bọ trong bụng. Và cứ vào ngày ấy, mẹ bảo lũ trẻ chúng tôi phải đi dép cả ngày không thì lũ sâu bọ sẽ bò lên người. Chúng tôi ngoan ngoãn làm theo.


Tiếp đó, mọi người trong nhà tôi tấp nập chuẩn bị cho bữa trưa ngày tết. Mẹ và bà tôi đồ xôi và nấu chè. Ngày Tết Đoan ngọ năm nào, mẹ cũng nấu nào là chè con ong, chè đỗ đen, xôi trắng, gói bánh tò te, bánh dợm. Toàn những món ẩm thực quê nhà, gắn với đồng quê, với bông lúa. Những món ăn này được mẹ đặt trang trọng lên bàn thờ. Những đĩa chè con ong nấu với mật mía căng đỏ những hạt gạo nếp, mùi thơm hấp dẫn, những bát chè đỗ đen mát lành rồi đĩa xôi nếp trắng ngần. Cả nhà sum họp ăn bữa ăn ngày Tết mùng 5 sau một mùa thu hoạch vất vả và khó nhọc.


Sau khi ăn trưa xong, cả nhà tôi tiếp tục tổ chức các phong tục khác, khá quan trọng trong lễ tết. Mẹ tôi cùng các chị đeo giỏ đi hái lá thuốc. Mẹ bảo vào đúng 12 giờ trưa Tết mùng 5, đất trời giao hòa, linh khí mạnh, mặt đất sẽ xuất hiện nhiều vị cây thuốc nam chữa được nhiều bệnh. Vì vậy, năm nào cũng vậy, mẹ không quên đi hái thuốc về cho cả nhà. Những lá cây được mẹ tôi hái về: Tía tô, lá tre, lá ngải, nụ vối, nhân trần, lá chè xanh, lá hương nhu, lá sen… toàn những cây lá có trong vườn nhà và ở ven đồi. Khi hái về, một loại mẹ để đun nước uống trong cả năm, một số đun lên thành từng nồi lớn để cho cả nhà cùng tắm ngay giữa trưa hôm đó. Mẹ đun các loại lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người già trẻ thay nhau múc tắm. Mùa nóng lại tắm nước nóng có lá thơm, mồ hôi toát ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho ai cũng phấn chấn và có lẽ cũng trị được cảm mệt.


Cũng đúng vào 12 giờ trưa Tết mùng 5 tháng năm, bà gọi chúng tôi cầm theo dao đi khảo mít. Năm nào cũng vậy, dù bận rộn đến mấy, bà cũng không quên phong tục này. Bà bảo chúng tôi trèo lên những cây mít ít ra quả, sau đó dùng dao bập vào gốc cây rồi tra hỏi vì sao mít không ra quả. Ở trên ngọn, chúng tôi trả lời thay mít và hứa sang năm sẽ ra nhiều quả hơn. Hồi đó còn bé nhưng chúng tôi cũng đã nhận ra mục đích của cách làm này, tuy mang tính tâm linh nhưng thực chất là bà dùng dao bập vào thân cây, mít đau, nhựa ứa ra. Và rồi từ vết thương ấy sẽ tích tụ thành những mầm quả non ở mùa sau.


Ngày Tết mùng 5 còn là dịp để người dân quê tôi sum họp gia đình sau nửa năm làm ăn xa nhà. Những người con ở nơi xa trở về dưới mái nhà ấm cúng để tri ân cùng tổ tiên và sống trong không khí lễ tết.


Giờ đây, cuộc sống hiện đại, người già quê tôi đang dần “khuất núi” về với tổ tiên, mọi người thì hối hả, bận rộn với cuộc sống, với công việc, phong tục Tết Đoan ngọ năm xưa đang dần bị mai một. Đâu đó, ở làng quê nông thôn, các gia đình vẫn giữ được nét văn hóa này song chỉ là chiếu lệ và không thực hiện hết những phong tục của một lễ tết. Còn ở thành thị, có lẽ khó lòng ai có thể tổ chức được phong tục này. Mai này ai sẽ là người giữ một phong tục đã đi sâu vào nếp nghĩ, lối sống và văn hóa của người Việt? Ai sẽ là người tiếp nối nét đẹp truyền thống này? Câu trả lời nằm trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt hôm nay.


N.T.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN