Nhạc chờ cũng cần có văn hóa

Gần đây, trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, xuất hiện những đoạn quảng cáo cài đặt nhạc chuông, nhạc chờ với lời giới thiệu là "độc", "lạ" rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhiều bản nhạc chờ gây sốc, lời lẽ thô tục, nhảm nhí gây phản cảm.


Nhiều bản nhạc chờ có nội dung nhảm nhí gây phản cảm. Ảnh: Internet

Dịch vụ nhạc chờ dành cho dế ra đời đến nay ngày càng phát triển rầm rộ. Chỉ cần một vài thao tác click chuột đơn giản cùng chi phí phải chăng từ 3.000-5.000 đồng là bạn đã có thể sở hữu cho mình một bản nhạc chờ theo ý muốn.


Nội dung các bản nhạc chờ vô cùng phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng công chúng khác nhau. Ví như nhạc cách mạng, nhạc trẻ, nhạc rap, nhạc nước ngoài… Không chỉ dừng lại ở đó các nhà mạng còn cập nhật thêm những bản nhạc chờ “độc” và “đỉnh”.


Tuy nhiên, khi hình ảnh và âm thanh của những bản nhạc chuông, nhạc chờ được phát tán rộng rãi thì nhiều khách hàng thật sự cảm thấy lo ngại. Tính "độc đáo, vui nhộn" như lời quảng cáo chẳng thấy đâu, mà nhiều người nhận xét đó là những hình ảnh, âm thanh phản cảm, thiếu văn hóa.


Nhiều bản nhạc chờ, nhạc chuông được các nghệ sĩ, diễn viên có tên tuổi diễn tả bằng các động tác lố bịch, cợt nhả; âm thanh chát chúa hoặc rên rỉ, lạc lõng; nhiều đoạn độc thoại với lời lẽ hết sức chợ búa, thô tục, nhảm nhí; kiểu như "anh yêu dấu, mặt anh như con gấu...".


Tìm trên mạng có rất nhiều bản nhạc chờ mà chỉ nghe qua đã thấy sock như: “Mày gọi gì cho tao thế; thuê bao đang thèm bia, thuê bao đang đếm tiền, thuê bao thích múa cột, đại ca không nghe thì đập điện thoại đi, cần bán gấp nhà tù công an, vụ án gà mái ngoại tình, đừng gọi nữa đang bận….”.


Vẫn biết các đơn vị kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông mong muốn đem đến cho khách hàng những tiếng cười vui tươi, sảng khoái khi sử dụng điện thoại di động. Song, với cách quảng bá về dịch vụ cung cấp nhạc chờ, nhạc chuông dễ dãi, tùy tiện, phản cảm kiểu này cần được chấn chỉnh.


Tải nhạc chờ là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Nó thể hiện sở thích, cảm xúc của từng cá nhân riêng biệt. Thế nhưng một bộ phận trong đó có giới trẻ lại sử dụng nhạc chờ để thể hiện những cái tôi “dở hơi” qua những lời lẽ dung tục, phản cảm và đôi khi làm ảnh hưởng tới người khác.


Vì mục đích lợi nhuận mà nhiều nhà mạng đã chế ra những loại nhạc chờ dung tục, phản cảm; không còn coi trọng tới nét đẹp thuần phong mỹ tục của người Việt, hơn nữa còn ảnh hưởng xấu tới nhận thức của giới trẻ. Các bài hát có câu từ thô tục, kệch cỡm lẽ ra phải được kiểm soát thì ngược lại, ngày càng xuất hiện nhiều hơn, với nhiều hình thức, chiêu trò hơn. Trên mục quảng cáo của nhiều tờ báo in cũng không khó để tìm thấy những mẩu quảng cáo nhạc chờ như thế.


Đã đến lúc, các nhà mạng, các cơ quan chức năng cần phải thắt chặt hơn nữa trong việc kiểm soát nội dung, việc đăng tải, sử dụng các bản nhạc chờ.



Nguyễn Văn Thanh
(Phúc A, Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương)




VinaPhone xin lỗi khách hàng vì mời dùng nhạc chờ miễn phí
VinaPhone xin lỗi khách hàng vì mời dùng nhạc chờ miễn phí

Vừa qua, nhiều thuê bao của VinaPhone đã cảm thấy phiền toái khi thấy nhà mạng mời sử dụng dịch vụ nhạc chờ cho dù miễn phí. Một số khách hàng do không để ý hoặc không thực hiện thao tác hủy (HUY gửi 9194) nên đã được nhà mạng tặng bài hát mà khách hàng không ưa thích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN