Lên Điện Biên trẩy hội hoa ban

Bạn tôi ở Điện Biên về, tặng một chiếc khăn piêu. Giữa những hoa văn thổ cẩm sắc màu rực rỡ vẫn nhận ra mỏng manh cánh hoa ban trắng hồng. Từng công tác trên Tây Bắc năm năm, tôi ngẩn người nhớ mùa này đã là những ngày hội hoa ban. Người Thái còn gọi hoa ban bằng cái tên khác: hoa lả. Lả là yêu là quý.


Tình người với loài hoa ấm áp suốt một vùng đất mênh mông ở các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc. Năm nay vùng đất lịch sử sẽ diễn ra lễ hội trọng đại kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” 1954-2014. Đã trên nửa thế kỷ qua, lời ca vẫn còn sôi động hùng tráng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở…” Hoa ban Tây Bắc đấy. Hoa ban nở trên bờ sông Nậm Rốm, Nậm Na, hoa ban trở thành rừng hoa ở khu vực đèo Pha Đin, khu chỉ huy Mường Phăng, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoa ban trải ra khắp vùng núi non ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái.


Có lẽ hoa ban ở Điện Biên bạt ngàn nhất trên vùng Tây Bắc. Với người già, hoa ban là biểu tượng sự hiếu thảo của con cháu. Với tuổi trẻ, hoa ban là biểu tượng sự thủy chung. Sự tích về hoa ban truyền lại rằng, ngày xưa có cô gái Thái tên là Ban. Cô thà chết chứ không chịu bỏ người thương để lấy chồng giàu. Chàng Khun (người yêu của Ban) đi tìm người yêu trong rừng thẳm, nước mắt chàng rơi xuống đất ở đâu, nơi ấy mọc lên cây ban, hoa trắng mùa xuân.


Hoa ban gắn bó với con người, cây ban mọc trên sườn núi sườn đồi như con người chịu thương chịu khó. Năm nào hoa ban nở nhiều là già làng bảo năm ấy ít úng lũ hay hạn hán, mùa màng sẽ tốt tươi. Hoa ban nở nhiều mẹ vui bảo: các cô tiên trên trời cao đã tặng chiếc áo choàng trắng cho núi rừng trong ngày hội. Hội hoa ban nao nức núi rừng Tây Bắc. Hội diễn ra vào tháng ba dương lịch (nhiều nơi vào ngày 5 tháng 2 âm lịch) để tưởng nhớ đôi trai gái trong sự tích và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày hội là dịp để trai gái hò hẹn và gặp nhau trong tiếng chiêng tiếng trống rộn rã bản làng. Bếp lửa thơm mùi xôi nếp mới, mùi gà luộc chín. Những vò rượu cần bóng loáng, cổ vò chít mảnh vải lụa điều đợi khách cùng vui vẻ.
Hội hoa ban càng thêm nao nức khi đây đó cất lên tiếng dân ca Thái dặt dìu:


Hoa ban nở, hoa ban tàn


tình ta đẹp như hoa ban


còn dài lâu thì như hoa nào


hỡi người ta yêu…!


Dòng sông trong xanh trong cữ giêng hai. Những con thuyền chở hoa lênh đênh trong ngày hội. Chàng trai tặng cô gái mình yêu chùm hoa trắng muốt trong khi bè bạn thổi sáo, gẩy đàn. Hoa tươi che nụ cười, che khuôn mặt trẻ sáng bừng nét mùa xuân chín. Thuyền về bến đỗ. Tiếng khèn và nhịp trống thúc giục mọi người quây quần vào điệu múa xèo. Những điệu xòe Thái trên núi rừng Tây Bắc thật phong phú. Nào xòe khăn, xòe quạt, xòe nón. Những dải khăn màu lượn bay, những cánh quạt xòe rộng, những chiếc nón thơ mộng che mái tóc. Điệu nhẩy sạp tưng bừng vui khi dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp đến, trong năm 2014 này.


Q.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN