Gửi những con đường

Ngày bạn thi Đại học, bạn phải vượt hàng trăm ki lô mét mới đến thành phố. Bạn thấy mình mắc cạn ở đâu đó giữa lòng đường chật nứt người dưng.

Người quen của bạn ở thành phố là anh con bác Tư hàng xóm, anh đang học cao học. Nhà trọ của anh rất rộng.

Anh sắp về quê nghỉ hè. Anh bảo, ngày mai có con trai chủ nhà vô thi Đại học Y. Nếu chủ nhà có hỏi cứ bảo em là em của anh Bình là được.

Buổi sáng ở thành phố không như ở quê. Bạn thấy thèm một tiếng chim đầu hè lảnh lót, thèm tia nắng vàng xuyên qua vòm lá, thèm nghe tiếng má lục đục dưới bếp. Sáng ở thành phố chỉ những âm thanh ồn ào trộn lẫn khó nhận ra.

Người chủ nhà và đứa con trai đến vào sáng đó. Họ cũng ồn ào khi nhận ra một người lạ trong căn nhà. Cậu con trai ngồi ôn bài trong cặp kính cận dày cộm trong khi người mẹ cứ liên tục cằn nhằn về cái thùng rác chưa kịp đổ, cái bồn cầu ố vàng, ống thoát nước bị nghẹt và những cái cây chết khô. Bạn thấy mình có lỗi, dù bạn chỉ đến trước họ đúng một ngày. Giọng chủ nhà mỗi lúc một dày, bạn thấy mình thừa thãi trong căn nhà không phải của mình. Chưa bao giờ bạn thấy buổi sáng nào trôi lâu như thế. Bạn vụt ra khỏi nhà khi chỉ kịp nói đúng một câu với chủ nhà. Bạn lang thang trên phố mà chẳng biết phải đi đâu và về đâu? Bạn tìm hết dãy nhà này đến dãy khác. Chỗ thì hết phòng, chỗ thì giá trên trời với một cậu học trò ở huyện.

Giữa lúc bạn thấy tuyệt vọng nhất, thì có một bàn tay hướng về phía bạn. Một đồng hương chưa bao giờ bạn gặp mặt nhưng lại thấy thân quen đến khó tin. Những học sinh xa nhà lên thành phố dự thi, nghe đến hai tiếng đồng hương ấm áp đến lạ kì. Bạn được trọ phòng cùng người đồng hương nơi đất khách trong khi người bạn ở cùng vừa trở về quê sau khi công bố kết quả tốt nghiệp. Bạn cũng không biết mình có nên vui hay nên buồn cho điều may mắn đó!

Bạn trở về nhà trọ. Chủ nhà mở cửa rào cho bạn với vẻ mặt khó chịu mà theo cách gọi của má là "con chằm dằm". Bạn không nói, chỉ lẳng lặng về phòng thu dọn đồ đạc chuẩn bị bước khỏi nơi vốn dĩ không thuộc về mình.

Bạn chào tạm biệt chủ, bạn cảm ơn chủ đã cho mình tá túc. Thoáng chút, bạn thấy vẻ mặt bối rối của chủ nhà. Chủ bảo sao đi vội, chưa thi xong mà. Bạn cười hiền: "Dạ, đứa bạn cháu ở trọ một mình, nó bảo nó... sợ ma nên gọi con ở cùng." Đôi mắt bạn đỏ hoe, hình như bạn vẫn là người nói dối không giỏi. Chủ nhà có vẻ ngại. Tự nhiên bạn thấy thương sao vẻ lúng túng của chủ nhà. Bạn gửi chủ nhà chìa khóa và mấy con khô cá lóc má gói trong bọc ni lông trước lúc bạn đi. Mà bạn từng càm ràm với má, con có nấu nướng gì mà mang theo. Nhưng giờ bạn mới thấy quý mấy con khô ấy, nó là thứ duy nhất để bạn trả ơn.

Bạn chào con trai chủ nhà, bạn không quên chúc cậu đỗ vào trường Y như cậu mong muốn. Chủ nhà đưa bạn ra tận cổng, trước khi bạn quay mặt đi. Chủ cũng vừa kịp bảo, khi nào không có chỗ ở thì quay lại nha con. Bạn cười và cúi chào chủ nhà và bước đi trong con hẻm dài leo lét, từng bước chân đi nặng trĩu, bạn như gánh thêm nỗi buồn cho một người khác. Chủ tưới nước cho chậu trạng nguyên trước nhà, giọng chủ như đứt quãng: “ Cầu cho hai cháu nó đỗ đại học.”

Bạn vẫn đi. Và thầm cảm ơn chủ nhà. Con cá khô còn sót lại rơi ra từ chiếc cặp, bạn cúi nhặt như nâng niu cả đời má cúi mình trước ruộng đồng cơ cực. Ngay lúc đó bạn chỉ muốn trở về nơi mình đã ra đi, bạn bỏ lại sau lưng con hẻm dài và tối. Bạn vẫn đi và áp mặt vào đêm xa lạ với những lòng đường chật nứt người dưng...
Nguyễn Chí Ngoan Trường
Sôi động Ngày văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc
Sôi động Ngày văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc

Ngày 10/7, Trung tâm Nhịp cầu Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức thành công Ngày Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ hai tại Hội quán văn hóa quận Dongdaemun, thủ đô Seoul.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN