Đón con từ Viện tâm thần về nhà

Tôi cảm thấy mình bị dằn vặt rất nhiều bởi mình chưa làm tròn bổn phận của một người mẹ. Vợ chồng tôi sinh được 3 cháu nhưng không may cháu út lại mắc bệnh tâm thần. Do hoàn cảnh gia đình (tôi công tác xa nhà) và theo sự chỉ định của bác sỹ, chúng tôi buộc phải gửi cháu vào bệnh viện tâm thần.

Tất cả mọi việc từ chăm sóc đến thuốc thang cho cháu, vợ chồng tôi dựa cả vào các bác sỹ, y tá và hộ lý của bệnh viện. Hàng tháng, gia đình bố trí thời gian đến thăm và động viên cháu.


Cho dù không còn nhỏ, nhưng con vẫn cần được cha mẹ chở che.

Phải xa con, nhất lại là một đứa con mang nhiều bất hạnh như vậy, tôi rất đau lòng. Có thời gian, bệnh tình của cháu thuyên giảm, vợ chồng tôi xin phép bệnh viện đưa cháu về nhà để gia đình chăm sóc. Tuy nhiên, do không có người thường xuyên theo dõi và chăm sóc; thuốc thang lại không được đều đặn nên chỉ sau một thời gian ngắn ở nhà, bệnh của cháu nặng trở lại khiến chúng tôi lại phải gửi cháu vào viện. Điệp khúc vào viện rồi ra viện của cháu cứ lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong suốt mấy chục năm qua khiến nhiều lúc tôi thấy nản vô cùng. Chồng tôi và hai đứa lớn dường như không mấy hy vọng về bệnh tình của thằng út. Tuy vậy, trong tôi chưa bao giờ tắt niềm hy vọng một ngày nào đó cháu khỏi bệnh. Niềm hy vọng này đã được tôi nuôi dưỡng suốt hàng chục năm qua.

Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn cho con cái và gia đình. Nhưng hai cháu lớn có gia đình riêng, chúng cũng không cần đến sự giúp đỡ của tôi. Nhìn thấy hai đứa con lớn có hạnh phúc riêng, tôi lại càng thương thằng út. Tôi muốn xin bệnh viện cho cháu về nhà để được tự tay chăm sóc cháu, để bù đắp cho cháu những năm tháng cháu phải sống xa bố mẹ, anh em. Nhưng khi vừa đặt vấn đề này với các con tôi (hai cháu đều đã lập gia đình và vẫn sống cùng chúng tôi trong một ngôi nhà) thì các cháu tỏ ý không bằng lòng. Các cháu viện lý do nhà cửa quá chật chội và chúng sợ lúc em lên cơn đập phá đồ đạc thì không biết cách xử trí như thế nào.

Thời gian tôi sống với cuộc đời này không còn nhiều. Tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận của một người mẹ đối với đứa con vốn đã chịu nhiều thiệt thòi từ trước tới nay mà sao quá khó...

L.M.K (Hà Nội)

Tôi rất cảm thông với tâm trạng của một người mẹ như chị, tuy nhiên việc đưa cháu từ bệnh viện trở về nhà, không phải cứ muốn là được, mà phải căn cứ vào hai điều kiện.

Thứ nhất, về phía gia đình: Chị phải đảm bảo có người chăm sóc, trông nom cháu 24/24 giờ; có chỗ ăn nghỉ riêng cho cháu để không ảnh hưởng đến sinh hoạt nghỉ ngơi của bản thân cháu và của những người khác trong gia đình. Nếu chị quyết định đưa cháu về nhà, việc cần làm đầu tiên là đả thông tư tưởng cho các thành viên trong gia đình. Có thể do chưa được chuẩn bị về mặt tâm lý nên các con bác mới có phản ứng như vậy.

Thứ hai, việc có về nhà được hay không phải căn cứ vào bệnh tình của cháu. Điều này, gia đình cần nghe theo lời khuyên của các bác sỹ.

Trong trường hợp bệnh viện đồng ý cho cháu về nhà, gia đình cần hỏi thật kỹ cách chăm sóc cháu, liều lượng thuốc thang theo phác đồ điều trị, đặc biệt là cách xử trí khi cháu lên cơn với những hành động không tự kiểm soát được như đánh người thân, đập phá đồ đạc trong nhà…

Việc chăm sóc người bệnh tâm thần, ngoài tình thương, còn cần cả sự hiểu biết về chuyên môn và sự kiên nhẫn.

Chúc chị có những tháng ngày hạnh phúc bên gia đình.

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN