Cúng cơm lúa mới

Năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa gặt, thóc lúa, rơm rạ đã phơi xong, gia đình tôi lại rục rịch chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới. Không biết từ bao giờ, tục cúng cơm mới đã gắn liền với đời sống tâm linh của người làm ruộng. Chỉ biết rằng, dù lúa gạo đã thu hoạch đầy nhà, nhưng chưa làm lễ cúng cơm mới thì lúa gạo đó phải giữ nguyên, không ai được dùng để nấu.


Ảnh minh họa.


Cúng cơm mới là lễ thức cúng tế sau một mùa lúa nhằm cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, mùa màng bội thu. Khi những đám ruộng chín vàng rộm, chuẩn bị chờ ngày gặt là mọi người đã nghĩ tới lúc nào thuận lợi để làm bữa cơm mới. Dù tính làm khi đang thu hoạch dở dang hay khi thóc lúa đã đầy bao thì cũng phải thuận mọi bề công việc để anh em, họ hàng, hàng xóm có thể đến vui cơm mới cùng gia đình mình.


Mẹ tôi là một người cẩn thận, nhất là với những gì liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng. Chính vì vậy dù vào năm được mùa hay thất bát, mâm cúng cơm mới đều được mẹ chăm chút cẩn thận, đầy đủ. Trước vài hôm, ba đã đi xay lúa, nếp còn mẹ con tôi thì ra chợ sắm đồ để chuẩn bị đồ lễ. Tối, cả nhà thức khuya để lau dọn bàn thờ, rửa sạch bát đĩa, rồi ngâm nếp, nhào bột chuẩn bị nấu xôi, làm bánh. Mâm cơm mới dâng lên bàn thờ ông bà bao giờ cũng có gạo - muối, chè nếp, xôi và không thể thiếu cơm trắng - muối vừng. Để nấu nồi cơm gạo mới trắng ngần, dẻo thơm không đơn giản như nấu cơm thường ngày. Gạo mới thu hoạch thường dẻo, không ưa nước lại rất hao, vì thế ướm lượng nước sao cho cơm bông tơi, không nhão nhẹt. Khi cơm sôi lục sục đã tỏa mùi hương ngào ngạt, đặc quánh như sữa non.


Đời sống khá lên một tí, bên cạnh nồi cơm mẹ còn cất công làm bánh xèo để trước cúng, sau đãi cả nhà. Sáng sớm đã thấy mẹ tôi dậy ngồi xay bột. Chiếc cối đá được lưu giữ từ đời ông bà cố cứ quay đều, quay đều theo vòng tay mẹ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt đỏ hồng của mẹ với những hạt mồ hôi chảy từ trên trán xuống do ngồi lâu bên bếp củi đúc bánh. Nói đến bánh xèo thì ai cũng biết, ai cũng có đôi lần thưởng thức, nhưng với tôi mỗi lần cắn ngập răng vào chiếc bánh được làm từ những hạt gạo đầu tiên lại thấy lòng rưng rưng, tưởng như mình đang nuốt đầy lồng ngực những lao nhọc, lo toan… của mẹ cha.


Giống như bao đứa trẻ khác sinh ra trong gia đình thuần nông, trong ký ức tôi, bữa cúng cơm lúa mới thật gần gũi và thân thương. Lớn lên, xa cánh đồng lúa, không thường xuyên được ăn những bữa cúng cơm lúa mới song cứ đến vụ gặt lòng tôi lại háo hức, nao nao. Nhớ mùi thơm gạo mới trong căn bếp mẹ nấu, nhớ cái không khí rộn ràng trong ngày làm cơm cúng lúa mới.



Phan Thanh Ly

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN