Cô quét rác

Trời chưa sáng hẳn, bóng đêm vẫn còn nấn ná. Cô đã quét từ đầu phố đến đoạn này. Áo bảo hộ đặc trưng công việc ánh lên màu vàng của đai phản quang. Phố vẫn im ắng, chỉ có tiếng chổi lia quèn quẹt đều đều nhẫn nại. Có người phanh kít chiếc xe đạp cọc cạch, cúi xuống nhặt vỏ lon hay giấy vụn trong đống rác vừa vun rồi lại cọc cạch đạp đi. Tiếng chổi cứ lia đều đều, xào xạc lá khô và rác rưởi.


Tôi ngồi nói chuyện với cô sau buổi lao động trên đường, một mình vừa xong bữa sáng đạm bạc. Sau cái vẻ lầm lũi cặm cụi trong bộ đồ bảo hộ có đai phản quang kia là những ý nghĩ, những câu chuyện tự nhiên, hóm hỉnh, có cả chút đáo để đáng nể. Chẳng hề mặc cảm, cô nói chuyện dí dỏm, hài hước, pha lẫn buồn vui…


Anh cứ gọi em là cô quét rác. Cái tên công nhân Công ty Vệ sinh môi trường đô thị, nghe to tát mà chung chung. Môi trường thì bát ngát trời mây sông suối không khí nước nôi. Em chỉ làm cái công việc quét đường phố. Một cái chổi. Một cái xe đẩy. Quần áo bảo hộ có đai vàng phản quang để người ta biết đừng tông xe vào. Đôi giày vải xanh. Khăn trùm mặt chỉ hở hai con mắt. Cô quét rác là như thế. Anh thấy có đúng không?


Đúng quá! Các cô làm đẹp cho thành phố. Anh lại nói to tát rồi. Nhà cao, đường rộng, cây xanh mới làm nên đường phố. Chúng em chỉ một phần, cái phần lo rác rưởi ấy mà! Lo cái phần rác rưởi thôi, nhưng chúng em cũng hiểu đời qua rác rưởi đấy! Là thế này. Nhà nào nhiều rác, nhà nào ít rác. Nhà nào rác vỏ lon, hộp giấy, xương xẩu thịt cá, vỏ hoa quả Bắc Nam, tây tầu; nhà ai rác cọng rau cuống lá đều đều, chúng em biết. Bó cành chè tươi nhặt hết lá trước cửa nhà ông bà già. Trước cửa hiệu mấy anh cắt tóc là đống tóc. Vải vụn các màu trước hiệu may. Giấy ăn bộn bề cửa hiệu phở. Nhìn rác là biết nghiệp nghề. Nhưng rác mỗi nhà mỗi tính. Cô này hóm hỉnh thật. Hóm gì, em chỉ nói theo cảm nhận của em. Mỗi nhà mỗi kiểu mỗi cách bỏ rác. Buộc túi gọn gàng, nghe tiếng chuông, khẽ khàng ra đặt đúng chỗ, có. Đứng trên hè thõng thượt vứt bẹt ra mép đường, không ít đâu. - Nhìn rác biết một phần tính cách phải không cô?. - Đấy là anh nói, em có quy kết gì đâu!.


Công việc chúng em gắn với những hàng cây. Cây nào thế nào, chúng em biết. Cái anh bàng, mùa hè thì xanh mát đấy, nhưng mùa đông lá đỏ tím, rồi trút ào xuống một lượt, chúng em vặn người lia chổi buốt nhừ sống lưng, xe rác đầy ụ, gò lưng mà đẩy. Mấy anh sấu và xà cừ mãi đến tháng ba mới thay lá. Lá sấu trải vàng, lá xà cừ rụng xanh, rũ xong lượt lá thì lá non đã mơn mởn đầy cành. Cái anh phượng vĩ hoa đẹp nhưng lá lăn tăn li ti, chổi mau cùn. Có loại lá dán bết mặt đường. Có lá cây quét đi bay lật lộn trở lại trêu ngươi. Người ta bảo mỗi cây mỗi hoa, em thì thấy mỗi cây mỗi… lá.


Làm việc gì chắc cũng có gian nan riêng, nhưng việc quét rác của em gian nan cách khác. Này nhé! Khi người ta còn ngon giấc, mình đã dậy đi làm. Chồng con tự lo ăn sáng, con tự lo đến trường. Người ta lo bữa cơm chiều sum họp gia đình, mình ngoài đường quèn quẹt khua chổi. Đêm lọc cọc đẩy chiếc xe về, con đã học bài gần xong. Ngày tết 23 tháng chạp, Ông Công - Ông Táo nhà em cũng phải đi chầu trời muộn nhất. Bữa cơm tất niên cũng sắm vội, sau cùng.


Cái hôm trời mưa dầm, xe rác đầy vượt mặt, oằn lưng đẩy, mất thăng bằng đổ rầm xuống. Có người hé cửa nhìn ra rồi thụt ngay vào. Một ông già, một bé trai chạy ù ra dựng xe lên giúp. Bỗng thấy vui. Quét xong một con phố, con phố như được rửa mặt buổi sáng, tươi tỉnh hẳn lên. Nhưng bỗng buồn. Một bà chị váy ngủ lùng thùng bước ra vứt bụp túi rác xuống lề đường mới quét. Buồn và bực. Một cô bé xách túi rác lon ton chạy đến kiễng chân đặt lên xe rác đã đầy vùm, miệng nở một nụ cười bẽn lẽn như xin lỗi cái chậm của mình. Thì lại thấy vui vui…


Nhân anh hỏi thì em nói chuyện, chuyện của cô quét rác ấy mà…


Cao Văn Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN