"Chữ A màu đỏ" Ngoại tình - Bi kịch của con người

Nathaniel Hawthorne (1804-1864) là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, được xem là người đỡ đầu cho nền văn học có bản sắc Mỹ. Ông được một số tác giả tôn vinh là “Shakespeare của Mỹ”, Nathaniel Hawthorne là một trong những nhà văn Mỹ được tìm đọc nhiều nhất và được ưa thích nhất.

Với một khía nhìn tâm lý học hiện đại, Nathaniel Hawthorne đã đào sâu vào những động lực bí ẩn trong hành vi của con người, và những ý thức sai trái cùng khắc khoải mà ông tin là phát xuất từ tội lỗi phi nhân bản, đặc biệt là tội lỗi do định kiến của xã hội và tôn giáo gán ghép. Trong những suy ngẫm về tội lỗi, ông hướng theo truyền thống của Thanh giáo nhưng trong quan niệm của ông về hệ lụy của tội lỗi, hoặc là hình phạt do thiếu nhân ái nhưng lại thừa định kiến, hoặc là sự phục hồi do lòng nhân ái và cứu rỗi, ông đã tách xa khỏi những điều mặc định của tổ tiên mình. Trong bối cảnh giáo hội luôn xen lấn nhiều vào công quyền, nhất là trong những phán xử pháp chế, việc này đã tạo cho ông tinh thần khoáng đãng để dựng nên bối cảnh và động thái của các nhân vật nhằm thể hiện một cách biểu trưng những đam mê, cảm xúc và day dứt trong tâm tư các nhân vật này, đồng thời vẽ lên "sự thật của con tim nhân loại" mà ông tin rằng bị ẩn khuất trong cuộc sống trần tục hàng ngày.


The Scarlet Letter (bản dịch Tiếng Việt: “Chữ A màu đỏ”) là một cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1850 của Nathaniel Hawthorne và được xem là một kiệt tác của ông.

Câu chuyện kể trong tác phẩm xảy ra ở Boston vào giữa thế kỷ 17, khi một phụ nữ trẻ đẹp (Hester Prynne) bị buộc phải mang mẫu tự “A” (viết tắt của Adultery nghĩa là ngoại tình) màu đỏ thắm thêu trên ngực áo vì bị khép vào một tội mà xã hội thời bấy giờ kết án hết sức nghiêm khắc – tử hình, nếu không có yếu tố khoan dung, và thường rất ít được khoan dung.

Một điểm hết sức đặc biệt là, xuyên suốt cả cuốn sách, tác giả không hề chỉ ra đích danh tội này, tuy người đọc nguyên bản nào cũng nhận biết. Điều này có nghĩa là tác giả không có chủ ý nói về chính cái tội, mà muốn trình bày những hệ lụy mà phạm nhân phải gánh chịu sau khi bị lên án vì cái tội này.

The Scarlet Letter chịu nhiều ảnh hưởng của Thanh giáo và xoay quanh những tâm trạng tội lỗi, lo lắng và buồn khổ.

Trong tác phẩm này, tác giả sử dụng bối cảnh của xã hội Thanh giáo khép kín, có tính áp đặt, độc đoán, để biểu hiện cho nhân loại nói chung. Tư tưởng và cách hành xử của Thanh giáo cũng cho phép tác giả dựng nên hình tượng tâm hồn con người sống dưới tư duy thiển cận và cung cách áp bức khắt khe, đến nỗi con người như thế có phản ứng thách thức, bất chấp, gần như nổi loạn. Các nhân vật Hester, Dimmesdale và Chillingworth, trong khi là những tín đồ của Thanh giáo, cũng biểu hiện là những thực thể ngoài đời.

Được xem là một trong những “tiểu thuyết lãng mạn” kinh điển của nền văn học Mỹ, “Chữ A màu đỏ” là một kiệt tác với những phân tích thấu đáo mạnh mẽ về tâm lý và tâm linh con người lồng trong những quan tâm sâu sắc đến tội lỗi, hình phạt và cứu chuộc.

Sách do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phối hợp với NXB Văn học phát hành.

L.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN