Câu chuyện học hành

Nâng cốc nước chè xanh vàng sánh thoảng hương thơm, hai ông lão ngồi trò chuyện với nhau, theo lệ thường mỗi sớm. Câu chuyện hôm nay xoay quanh việc học hành của con trẻ. Đã vào năm học mới rồi mà, lũ trẻ đeo cặp đến trường học bài mới từ hôm 20 tháng 8. Cụ tóc bạc mới về thăm quê lên, khen lấy khen để mấy cháu nhà nghèo trong vùng học hành giỏi giang. Cụ kể rằng năm trước có anh học trò nhà quê mồ côi nghèo khó mà thi vào Đại học Dược Hà Nội đỗ thủ khoa, đạt những 29 điểm. Tin về anh thủ khoa này thì cụ tóc muối tiêu cũng đã nghe đài và xem ti vi, nhưng cụ tóc bạc về quê được nghe kể tường tận hơn, lại được xem cả mấy bài báo người ta kể tỉ mỉ, người trong vùng truyền tay nhau đọc đã nhầu mà vẫn giữ lại để răn con cháu.


Báo kể rằng suốt ba năm học cấp III, anh này chỉ có hai bộ quần áo sờn rách, đi chiếc xe đạp cũ tróc hết sơn kêu lạch cạch suốt dọc đường đến trường. Nhà trường quy định học trò đến trường phải đi dép có quai hậu, ấy thế mà mình anh này đi dép tổ ong vẹt gót, các thầy cô cũng thông cảm coi là biệt lệ. Ăn uống kham khổ, tí tuổi mà đã đau dạ dày. Hai ông lão này đã từng đau dạ dày cái hồi ăn độn sắn độn ngô, biết cái bệnh ấy ra sao rồi. Khó chịu lắm. Ấy thế mà anh này học giỏi. Con người ta hơn nhau ở cái chí! Lại còn chuyện mới đây. Ôi giời, nhà nghèo, chồng ra thành phố vá săm và chạy xe ôm, cơm nước ăn ngủ chui rúc, vợ ở nhà làm ruộng và tranh thủ đi làm thuê, thế mà nuôi hai con gái học đại học, hai con trai sinh đôi, một đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội, một đỗ Bách khoa điểm cao.


Ông tóc hoa râm kể về học sinh ở ngay ở miền núi mình. Anh này tên là Điệp, nhà ở mãi làng Toòng Sành giáp chân núi trong Cốc San. Hai anh em mồ côi mẹ từ bé, một mình bố nuôi hai con ăn học. Nhà chả có gì đáng tiền. Các thầy cô và bạn bè vào thăm, ai cũng ái ngại. Thế mà người anh là học sinh giỏi toàn diện, đỗ vào đại học và năm nay học lên năm thứ tư. Điệp cũng gắng học, đạt giải học sinh giỏi Hóa. Thi tốt nghiệp là một trong ba người có điểm số dẫn đầu của trường. Biết nhà nghèo, không có gì trông để học đại học, nên thi tốt nghiệp xong, anh chàng đi làm thợ sơn. May mà được thầy giáo chủ nhiệm gọi về ôn luyện. Thi vào Đại học Sư phạm ở Thủ đô, vượt điểm chuẩn của trường. “ Con người ta hơn nhau ở cái chí!” Hai ông lão nhắc lại lần nữa câu ấy và cùng thưởng thức hụm chè xanh chát đậm.


Ông lão tóc bạc ngoặt sang chuyện con cháu nhà mình. Hồi bao cấp khó khăn, ông bà lam lũ, chắt chiu, nuôi bốn con ăn học, hai người đỗ đại học ngay năm đầu, hai người ôn lại thi năm sau cũng đã đỗ. Bây giờ các anh chị công tác ở thành phố, đời sống khá giả. Một anh, một chị đã mua ô tô. Ấy thế mà đến lượt mấy đứa cháu đều học hành làng nhàng. Vừa rồi có hai đứa cháu đi thi, cộng cả điểm ưu tiên khu vực, một đứa vừa đạt điểm sàn, một đứa vẫn hụt. Ông lão tóc hoa râm cũng chép miệng bổ sung. Thì cháu đích tôn ông cũng thế. Bố mẹ sắm sanh cho chẳng thiếu thứ gì. Cho đi học thêm nhóm này nhóm khác. Hôm thi, cả hai bố mẹ xin nghỉ phép đưa đi, thuê nhà nghỉ máy lạnh ở mấy ngày. Hôm rồi “xem mạng xem lưới”, ối giời, đi thi cho nó đông! Mà bố mẹ nó ngày xưa học hành ra gì cả đấy chứ!


Hai ông lão trầm ngâm theo dòng suy nghĩ của mỗi người. Hóa ra, ý nghĩ hai người giống nhau. Lời người này nối tiếp, bổ sung lời người kia. Tựu trung hai ông lão đều ngẫm ra rằng: Lúc khó khăn phải nuôi cái chí. Khi đời sống khấm khá càng phải nuôi cái chí vươn lên. Vật chất khấm khá là điều kiện tốt cho sự học hành, nhưng thiếu cái chí thì nảy sinh thỏa mãn, hưởng thụ. Cái sự thỏa mãn và tâm lý hưởng thụ nó làm con người ta sinh ỷ lại, thì làm sao mà học hành giỏi giang được. “ Thế nên, con người ta lúc nào cũng cần có cái chí!” Hai ông cụ trầm ngâm. Hai cốc nước chè vàng sánh lặng im trên bàn!


Tiếng trống bên trường báo giờ ra chơi vang lên. Hai ông lão thư thái trở lại trong tiếng trẻ em rộn rã hồn nhiên từ bên trường vang sang...



Cao Văn Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN