Bánh đúc bày sàng

Thuở còn nhỏ, mỗi lần mẹ đi chợ là anh em tôi lại mong lắm. Đứa lớn bế đứa bé đứng ở đầu ngõ ngóng mẹ về. Bao giờ cũng thế, khi mẹ gánh đôi quang thúng về ngõ là chúng tôi thi nhau lục quà của mẹ. Khi thì túi kẹo bột. Lúc thì gói bánh đúc. Hôm khác lại bánh đa. Nhưng có lẽ khoái hơn cả là những miếng bánh đúc còn dính lá chuối xanh thơm ngầy ngậy, màu vàng đục với những hạt lạc bám quanh. Bụng đang đói mà được ăn một miếng bánh đúc thì đúng là không còn cái khoái nào hơn. Quà quê ngày đó chỉ những thứ ấy mà ấn tượng với tôi đến tận bây giờ.



Bánh đúc là bánh của làng quê Việt Nam. Nó được làm bằng bột gạo. Cũng có thể bánh đúc làm bằng bột ngô, bột khoai. Ngày tiệc làng, bố mẹ tôi bao giờ cũng làm loại bánh này. Bánh đúc ăn ròn, mát, mịn, no bụng và dễ tiêu. Quy trình làm bánh đúc cũng khá đơn giản. Chọn loại gạo ngon, vo đãi sạch và ngâm bằng nước vôi trong. Thường mẹ tôi ngâm gạo qua đêm, sáng ra thì vớt gạo và đãi lại, để róc nước rồi đem xay. Cái cối xay đá hiện giờ tôi vẫn giữ làm kỷ niệm, để ở góc nhà. Đặt chiếc cối lên cái ghế băng hoặc chỗ cao ráo, chìa phần mỏ ra ngoài để cho nước bột chảy xuống. Lấy cái mảnh nứa hoặc tre như cái đóm cắm nối mỏm cối với cái chậu hoặc xoong cho nước bột theo đó chảy xuống. Cho gạo vào cối, tay phải cầm tay quay quay đều, tay trái dồn gạo vào giữa cối và thi thoảng dùng muôi múc nước tưới đều cho cối trơn và bột nhuyễn. Nước bột trắng như sữa trông đã thấy mát và ngon muốn uống rồi. Có thể xay hai, ba lần để nước bột thật nhuyễn bánh càng ngon.


Sau đó, lấy cái nồi khác đã được láng một chút mỡ nước ở đáy cho bánh chín khỏi dính nồi. Đổ nước bột vào đó rồi bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Vừa đun, mẹ tôi vừa lấy đũa cả khuấy đều tay, liên tục. Mẹ bảo làm thế để bột không bị vón, bánh không khê, không sát nồi. Khuấy cho đến lúc bột trong nồi đặc sệt lại, nhìn trong mượt, nhấc cái đũa cả lên mà không dính nữa là được. Sau đó, mẹ bê cả nồi bánh đang nóng đó đổ ra cái mẹt đã lót sẵn lá chuổi tươi rồi cán đều. Hơi bánh bốc lên thơm nghi ngút. Chúng tôi ngồi chầu hẫu vây quanh thèm nhỏ dãi. Thích nhất là được mẹ cho vét nồi. Bánh cháy vàng ươm, mẹ lấy muôi cạo rồi chia cho mỗi đứa chúng tôi một nắm nóng hôi hổi, ăn vừa thơm vừa béo ngậy. Cạnh đó là mẹt bánh đúc đang bốc hơi thơm khắp cả mấy gian nhà. Đúng là “bánh đúc bày sàng”, cái ngon, cái khéo được phô bày ra tất cả ở đó.


Khi mẹt bánh nguội, bố tôi lấy con dao mỏng sắc cắt thành từng miếng hình bình hành rồi bày lên đĩa. Cầm lát bánh, khẽ gỡ bỏ mảnh lá chuối xanh còn sót lại, rồi chấm tương, đưa lên miệng, cắn một miếng, cảm giác mát ngọt của bánh, thơm nồng của vôi, bùi của lạc, mằn mặn của tương… tất cả hòa quyện với nhau tan ra nơi đầu lưỡi, ngấm vào các giác quan khiến cho ta tỉnh cả người. Bánh ngon là bánh mịn, không mềm nhão, ròn, cắt lát bánh sắc nét, trông rõ từng hạt lạc, mùi vôi hơi nồng nồng… Đang đói mà được miếng bánh đúc như thế thì chẳng có cao lương mỹ vị gì bằng. Còn nếu có điều kiện hơn thì ăn bánh đúc với cá kho, canh riêu cua thì chỉ có nhất. Chả thế mà có câu ca “Bánh đúc ăn với cá kho, bán bò mà lo trả nợ” đủ biết nó ngon đến chừng nào.


Làng quê Việt có nhiều làng nổi tiếng về loại bánh đúc này. “Bánh đúc làng Điền góp tiền mà mua”. “Nâu kẻ Sặt, vải kẻ Núc, bánh đúc lại Đồng”. “Rau cần kẻ Trúc, bánh đúc chợ Chay”… đủ biết bánh đúc “thương hiệu” biết chừng nào. Nhà văn Vũ Bằng trong cuốn Món ngon Hà Nội đã viết: “Bánh đúc mát cái mát của Đông Phương, thâm trầm và hiền lành chứ không rực rỡ và kêu gào ầm ĩ”.


Cái thuở chúng tôi “chị em ta bánh đa bánh đúc” không còn nữa, nó đã thuộc về dĩ vãng mất rồi. Ngày nay, có quá nhiều thứ bánh kẹo hiện đại, với nhiều mẫu mã khác nhau. Giữa đủ đầy như thế sao nhiều lúc tôi vẫn cứ cảm thấy chông chênh khi bỗng dưng chợt nhớ về thuở trước. Hình ảnh “sàng bánh đúc lá chuối”, miếng bánh đúc hình bình hành thi thoảng vẫn thoáng hiện trong tôi. Ước gì có mẹ bây giờ để mẹ lại quấy bánh đúc, chia bánh đa cho chúng tôi. Bánh đúc ơi, sao mãi thơm nồng đến thế!

Xuân Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN