Âm vang tiếng trống hội làng

Những tháng đầu năm tiếng trống hội làng vang khắp nơi nơi như giục giã lòng người về nơi chôn rau cắt rốn, để cùng sum họp, ôn lại truyền thống quê hương.


Dường như bất cứ lễ hội dân gian nào cũng không thể thiếu âm thanh tưng bừng hay trầm hùng của tiếng trống. Những hồi trống rền vang như tiếng hoan ca của muôn dân trong thôn xóm. Tiếng trống hội vang lên khi vụ mùa kết thúc, con trâu được thảnh thơi gặm cỏ; cái cuốc, cái bừa nằm gọn trong kho; người nông dân giũ bỏ bộ quần áo lấm lem bùn đất, khoác lên người trang phục đẹp nhất, nô nức tham gia vào ngày hội làng thuyền thống.


Đoàn rước đi đến đâu, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, rộn rã đến đấy, phá tan không gian trầm lắng của làng quê những ngày thường. Ngoài mặt đường rực lên sắc đỏ của cờ, của băng zôn; xen vào đó là những nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Ai cũng háo hức chìm đắm trong không khí rộn rã ngày hội.


Trong ngày hội làng, tất cả như hòa vào dòng người đi nghe tiếng trống khai hội; xem khai mạc; xem đoàn rước đi quanh xóm làng cùng với múa Rồng, múa Sư Tử, các hoạt động tế, lễ và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, thưởng thức các chương trình văn hóa văn nghệ tại địa phương.


Nhờ có tiếng trống, các đội múa Rồng, múa Sư Tử như được tiếp thêm sinh lực, khí thế để trình diễn những động tác hay và đẹp mắt cho mọi người thưởng thức, thu hút người dân, mang đến niềm vui, tiếng cười, niềm phấn khởi, thôi thúc rộn rã lòng người. Đội vật thông qua tiếng trống mà trở nên quyết liệt hơn, tinh tế hơn với những miếng đòn quật ngã đối phương. Người xung quanh nghe tiếng trống mà tìm đến, cố nhoài người để được nhìn và thưởng thức những màn trình diễn thú vị từ những cặp thi đấu trong sới vật.


Lắng nghe tiếng trống, mỗi người như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đời thường. Tiếng trống giúp ai nấy nhớ về nguồn cội quê hương, giúp người dân quê thêm xích lại gần nhau hơn và là cơ hội để mọi người gặp mặt, giao lưu.


Tiếng trống hội, tựa như sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại. Lắng nghe tiếng trống, người dân quê tôi được ôn lại truyền thống quê hương. Sự tích Thành hoàng được khắc ghi muôn thuở và truyền lại đời đời cho thế hệ con cháu mai sau. Nhờ có tiếng trống hội làng đã giúp tôi hồi tưởng về tuổi thơ của mình qua những lần có mặt tham gia và thêm tự hào về truyền thống quê hương mình.


“Hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ tiếng trống đã bao lần thúc giục quân dân ta xông pha nơi trận tuyến đánh đuổi quân xâm lược. Tiếng trống khải hoàn khi dân tộc giành độc lập tự do. Trống đã đi vào đời sống trở thành nhạc cụ không thể thiếu, tiếng trống ngũ liên đanh đặc dồn dập trong hộ đê; khoan thai thanh mảnh trong “trống canh ba”; dõng dạc ngân nga, vang rền trong “tiếng trống hồi” phút giao thừa đón năm mới; thôi thúc rộn rã trong múa lân múa rồng…” (Nhạc sĩ Mai Xuân Chức)


Văn Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN