09:17 11/09/2014

Ý kiến phụ huynh, học sinh về kỳ thi quốc gia

Phản ánh từ các học sinh và phụ huynh về việc kể từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Sau một thời gian dài xây dựng và đưa ra lấy ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo đó, kể từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6 hằng năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.

Các thí sinh tham dự kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm 2014. Ảnh: Quý Trung-TTXVN


Để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa Lý.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án chính thức, rất nhiều học sinh, giáo viên đã cảm thấy bớt lo lắng vì phương án đưa ra không gây nhiều xáo trộn cho việc dạy và học hiện nay. Nhiều học sinh tỏ ra rất phấn khởi trước quyết định này.

Không chỉ có học sinh khối D với ba môn cơ bản là Toán, Văn, Anh – 3 môn thi bắt buộc trong phương án một kỳ thi quốc gia vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hào hứng mà học sinh các khối khác cũng đón chờ kì thi theo phương án mới.

Em Nguyễn Huyền Linh (Trường Trung học phổ thông Trần Phú – Hà Nội) cho biết: Em thi khối A nên ban đầu khá bỡ ngỡ với quyết định về một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, đây là phương án thích hợp nhất vì môn tiếng Anh cũng là môn cần thiết. Ở trường, các thầy cô giáo dạy đầy đủ, chi tiết kiến thức căn bản, nếu chăm chỉ, làm bài tập đầy đủ thì sẽ mục tiêu đỗ tốt nghiệp chắc chắn sẽ đạt. Hai môn thi còn lại là Văn và Ngoại ngữ, nếu bạn không thi ban D thì cũng không cần quá lo lắng vì nếu chỉ để xét tốt nghiệp thì không đòi hỏi quá cao.

Phạm Đức Long (Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội) chia sẻ: Trước kia kì thi tốt nghiệp quy định thi 6 môn, nay giảm xuống chỉ còn 4 môn. Thêm vào đó, 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học chỉ cách nhau 1 tháng khiến học sinh ôn tập khá vất vả. Nay cơ bản chỉ có 1 kỳ thi chính nên tâm lí các thí sinh cũng nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, nhiều học sinh dù không thi khối A hay khối D cũng coi việc học thêm môn Toán và Ngoại ngữ là cơ hội để nộp hồ sơ vào các trường có xét đến 2 môn thi này.

Trước những thay đổi của kỳ thi từ năm 2015, có phụ huynh lại tỏ ra khá lo lắng trước những vấn đề kỹ thuật của kỳ thi như việc xét tuyển của các trường, tổ chức các cụm thi… Ngoài ra, nhiều phụ huynh lo lắng trước việc sẽ xảy ra tình trạng tiêu cực “làm điểm số đẹp”.

Ông Nguyễn Văn Trình (Kim Mã – Hà Nội) cho biết: Năm 2015, con gái ông sẽ tham gia kỳ thi, ông khá băn khoăn việc lấy kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển đại học cao đẳng nếu không làm nghiêm túc, chặt chẽ sẽ xảy ra tình trạng “làm điểm số đẹp”, gây thiệt thòi cho những học sinh khác. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra nhẹ nhõm khi con cái không phải vất vả thi 2 lần như trước. Một số phụ huynh cho biết phương án thi chung như vậy sẽ có lợi cho học sinh, đặc biệt là việc giảm thiểu “may rủi” khi học sinh được thi trước rồi mới đăng ký tuyển sinh.

Hai kỳ thi ghép thành một kỳ thi quốc gia cũng đồng nghĩa với việc công tác ôn tập cho học sinh sẽ có nhiều thay đổi. Cô Giáo Vũ Ngọc Tuyết giáo viên dạy Văn lớp 12 (Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết: Việc phát huy tính tích cực cho học sinh đã được giáo viên áp dụng từ khá lâu. Do vậy cũng không quá lo lắng, tuy nhiên sau khi có quyết định về phương án thi thì giáo viên và học sinh phải có phương án ôn tập tích cực hơn. Đặc biệt, trong phần ôn tập sẽ dạy tích cực hơn, không chỉ đảm bảo đỗ tốt nghiệp mà còn đáp ứng việc vào các trường đại học.

Cô Trương Thị Bích Thủy (Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trưng Vương – Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Phương án được lựa chọn không nằm trong 3 phương án cũ nhưng là phương án hợp lý, tối ưu. Vấn đề còn lại là tuyển sinh đại học, nhiều người đang băn khoăn xem các trường sẽ lựa chọn xét điểm theo khối hay theo môn. Hiện nay, học sinh đang có xu hướng học theo khối nhưng nếu phương án cho phép lựa chọn điểm xét tuyển theo môn thi thì sẽ tốt hơn cho học sinh. Do thời gian thực hiện ngay trong năm nay khá gấp nhưng nếu có lộ trình phù hợp thì học sinh và phụ huynh an tâm hơn.

Dù còn không ít ý kiến khác nhau về phương án thi nói trên, tuy nhiên, việc thống nhất một kỳ thi quốc gia được xem là nỗ lực đáng kể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vấn đề còn lại là việc các đơn vị trực thuộc chuẩn bị và thực hiện như thế nào để đạt được mục tiêu cuối cùng là đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục.


Ngọc Anh