06:09 14/06/2012

Ý kiến cử tri về phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

Sáng 13/6, đông đảo cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Sáng 13/6, đông đảo cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

 

Cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể


Cử tri Trần Thị Hồng Nhi, Giám đốc Công ty cổ phần Thương Mại - Xây dựng Hoàng Thắng cho rằng, Bộ trưởng chưa trả lời thật thấu đáo vấn đề cử tri đặt ra.
Trong phần trả lời chất vấn liên quan tới đất đai, Bộ trưởng cho biết đã giải quyết được cơ bản, nhưng thực chất số vụ khiếu nại tố cáo về đền bù giải tỏa đất đai còn nhiều, gây bức xúc tại mỗi địa phương. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, hiện cả nước còn 904 vụ việc kéo dài, trong đó thẩm quyền của Trung ương là 380 vụ, địa phương 524 vụ. Khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường đi vào phân tích các nguyên nhân diễn ra sự vụ, sau đó nêu quyết tâm sẽ phối họp giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng chưa nêu được giải pháp quyết liệt, cụ thể, căn cơ cho từng vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Cử tri mong muốn, làm rõ trách nhiệm của Bộ về vấn đề này, cũng như giải pháp nhằm hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng khiếu nại tố cáo về đất đai, bồi hoàn giải tỏa đền bù chưa thỏa đáng cho người dân.


Cử tri Trần Trọng Thành, ngụ 51/21 đường 30/4 phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hoan nghênh các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đã “nêu trúng” những vấn đề nóng được cử tri cả nước quan tâm. Câu hỏi ngắn gọn, nội dung hàm chứa tinh thần trách nhiệm rất cao, đi thẳng vào vấn đề.


Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn chưa được Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời thỏa đáng. Cử tri Trần Trọng Thành mong muốn Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm và thất thoát tài nguyên môi trường như nạn khai thác bất hợp pháp cát sông trên sông Hậu, làm sai lệch dòng chảy, sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Cũng giống như một số địa phương khác, các dòng sông tại Cần Thơ đang bị ô nhiễm trầm trọng do các khu chế xuất - khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung...

 

Sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ trong quản lý tài nguyên, đất đai


Luật sư Nguyễn Văn Đoàn, Hội Luật gia Hải Phòng nhận xét: Câu hỏi của các đại biểu cũng như phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính rất thẳng thắn, khách quan, cụ thể và sát với thực tế hiện nay, như: bất cập trong việc cấp đất, quyền sử dụng đất; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách, giá cả chưa được giải quyết dứt điểm, gây khiếu kiện kéo dài, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền; sử dụng đất còn lãng phí, nhất là lãng phí đất tại các khu công nghiệp do chưa bám sát quy hoạch; vấn đề môi trường làng nghề, khu công nghiệp, các dòng sông chưa có giải pháp xử lý hiệu quả gây bức xúc trong nhân dân....


Những bất cập trong quản lý đất đai đã và đang dẫn đến việc phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương, cụ thể ở thành phố Hải Phòng là vụ cưỡng chế đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng xảy ra ngày 5/1/2012.


Khắc phục những bất cập trên, Luật sư Nguyễn Văn Đoàn mong muốn Quốc hội sớm đưa ra các giải pháp đồng bộ trong việc quản lý tài nguyên; đồng thời xem xét điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; rà soát lại hệ thống các văn bản để tránh chồng chéo. Luật Đất đai cần làm rõ tiêu chí đất nông nghiệp để dễ dàng phân loại theo đúng quy định.


Cử tri Nguyễn Văn Chững, cán bộ ở huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) cho rằng: phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp sáng 13/6 phong phú về nội dung, được cử tri đồng tình.


Ông Nguyễn Văn Chững đề nghị Quốc hội nên nghiên cứu, bổ sung hoặc ra mới những văn bản cụ thể về quản lý đất đai sát với quy hoạch phát triển, tránh chồng chéo và phát huy được thế mạnh, tiềm năng đất đai của từng địa phương; cần có quy định cụ thể với các địa phương trong thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời công tác thanh, kiểm tra việc sử dụng đất cần được tăng cường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

 

Nhóm PV (thực hiện)