08:15 10/08/2022

Ý kiến cử tri: Đảm bảo an toàn an ninh mạng, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao

Ngày 10/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực, trách nhiệm của Bộ Công an.

Chú thích ảnh
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn, hầu hết cử tri đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ trưởng Bộ Công an đã nắm chắc các vấn đề, trả lời rõ ràng, đúng và trúng nội dung đại biểu, cử tri nêu ý kiến, trong đó cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.

Chia sẻ về vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay, Trung tá Nguyễn Cao Cường, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) nêu ý kiến, về nguy cơ thách thức của internet, mạng xã hội đối với Việt Nam. Trong đó chỉ rõ các thế lực thù địch, cơ hội triệt để lợi dụng không gian mạng tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ngày càng công khai, trực diện hơn.

Các thế lực thù địch thường xuyên tiến hành các hoạt động trên không gian mạng để khai thác thông tin, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, bí mật quốc gia để tạo lợi thế trong quan hệ hợp tác, tác động vào đường lối, chính sách của ta hòng gây sức ép khi cần thiết... Ngoài ra, các thành phần cơ hội còn sử dụng dịch vụ internet, mạng xã hội để lừa đảo, đánh bạc, tống tiền, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy. 

Trước nguy cơ và thách thức nêu trên, để đảm bảo an toàn thông tin, Trung tá Nguyễn Cao Cường cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng, ban hành quy định, chính sách về bảo đảm an toàn thông tin trong nội bộ cơ quan; không đưa máy tính làm việc của cơ quan, đơn vị ra bên ngoài sửa chữa; không sử dụng thiết bị công nghệ thông tin không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm tra an ninh an toàn thông tin bởi cơ quan chức năng. Các cơ quan, đơn vị không sử dụng hòm thư điện tử trên Internet để gửi, nhận tài liệu mật, tài liệu quan trọng; không sử dụng điện thoại thông minh ghi âm, chụp hình nội dung tài liệu, cuộc họp quan trọng…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập Báo Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, an ninh mạng đã và đang trở thành một trong những thách thức an ninh phi truyền thống rất lớn, đe dọa an ninh quốc gia, kinh tế, xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đáng chú ý, những năm gần đây, an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp. Nổi lên là tình trạng tội phạm lợi dụng công nghệ cao, internet để đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán video clip phản cảm, độc hại. Đáng chú ý, một số đối tượng đã lợi dụng công nghệ cao, internet, mạng xã hội để giao dịch thương mại nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong nhân dân. Một số hoạt động của các đối tượng tội phạm còn có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến chủ quyền an ninh kinh tế quốc gia. 

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật như: Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác này, cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực an ninh mạng cho người làm quản trị mạng tại cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cũng như tất cả người dân sử dụng internet và các dịch vụ số. Doanh nghiệp công nghệ cần có sự trao đổi, phối hợp, thậm chí hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật về an ninh mạng; góp phần đảm bảo an toàn an ninh mạng cũng như kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao.

Chia sẻ về việc thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, Trung tá Nguyễn Văn Trung, Trưởng Công an phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện nay việc hỗ trợ làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip đang được triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn thành phố, người dân ủng hộ. Có thể nói từ khi thẻ căn cước công dân gắn chip được sử dụng trong đời sống đã mang đến nhiều lợi ích không chỉ cho người dân mà cho cả cơ quan quản lý, góp phần tích cực vào việc đổi mới cách thức quản lý hiện đại. Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin về dân cư vững vàng phù hợp yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội. 

Thực tế cho thấy, thẻ căn cước công dân gắn chip có thể tích hợp được hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: Giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng… Nhờ việc tích hợp nhiều loại giấy tờ, thẻ căn cước công dân gắn chip trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì việc phải mang theo nhiều giấy tờ khác nhau, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip để làm mọi giao dịch, qua đó hạn chế giấy tờ, thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình làm việc, tiết kiệm chi phí, nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, một trong những ưu điểm lớn của thẻ căn cước công dân gắn chip được đánh giá cao đó là hạn chế tối đa việc giả mạo giấy tờ, góp phần giảm thiểu hành vi phạm tội.

Nguyễn Thắng (TTXVN)