06:20 17/06/2015

Ý kiến chỉ đạo về khuyến khích sử dụng xăng E5

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình truyền thông cấp quốc gia khuyến khích sử dụng xăng E5.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình truyền thông cấp quốc gia khuyến khích sử dụng xăng E5.

Quảng Ngãi là một trong các tỉnh, thành được chọn làm điểm triển khai sản xuất, phối trộn, kinh doanh xăng sinh học E5 để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ. Ảnh: TTXVN


Theo lộ trình đã được phê duyệt, từ ngày 1/12/2015, việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ sẽ được triển khai toàn quốc. Thời gian không còn nhiều nên việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ tại 8 tỉnh, thành phố (Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Quảng Nam) đang thực hiện lộ trình và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo mở rộng ra phạm vi toàn quốc là yêu cầu cấp bách.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan và doanh nghiệp đầu mối tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện lộ trình, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Về công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình truyền thông cấp quốc gia khuyến khích sử dụng xăng E5, trong đó cần làm rõ lợi ích của việc sử dụng xăng E5, khẳng định về chất lượng, kỹ thuật để người tiêu dùng an tâm sử dụng xăng E5.

Các địa phương, doanh nghiệp đầu mối chỉ đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng xăng E5 đến khách hàng, người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát hoạt động của các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu, nắm chắc năng lực sản xuất và theo dõi thường xuyên quá trình hoạt động; kịp thời phối hợp với cơ quan liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp đầu mối đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán xăng E5, mục tiêu đến 30/11/2015 phải đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình tại 8 địa phương đang thực hiện lộ trình có bán xăng E5; đăng ký kế hoạch, tiến độ và hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Công Thương.

Giao Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cụ thể đối với từng đầu mối trước ngày 30/6 tới và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các doanh nghiệp đầu mối, đơn vị kinh doanh xăng dầu rà soát tiến độ phát triển các cửa hàng có bán xăng E5 trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố đang thực hiện Lộ trình; đăng ký kế hoạch với UBND tỉnh, thành phố để đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố đang thực hiện lộ trình phải sử dụng xăng E5 cho các phương tiện vận tải đường bộ khi trên địa bàn đáp ứng đầy đủ nguồn cung. Các cơ quan, địa phương căn cứ điều kiện cung ứng, phân phối xăng E5 trên địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn việc quản lý, trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5, bảo đảm hài hòa giữa các bên liên quan với lộ trình phù hợp, tương ứng với tỷ lệ xăng E5 được đưa vào tiêu thụ.

* Tháng 6 phê duyệt Đề án phát triển thị trường khu vực Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương hoàn chỉnh Đề án phát triển thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 6/2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương rà soát, làm rõ và bổ sung vào đề án các nội dung về các thị trường xuất khẩu trọng điểm cần ưu tiên phát triển trong từng giai đoạn; các giải pháp phát triển từng khu vực thị trường (mặt hàng trọng điểm, giải pháp phát triển, nhất là những giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế đặc trưng của từng khu vực thị trường), giải pháp ưu tiên trong từng giai đoạn. Đồng thời, Bộ Công Thương tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện các mục tiêu, định hướng, giải pháp của Đề án; đề xuất sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.


TTXVN/Tin Tức