12:15 13/12/2017

Y Cal Êban - người tiên phong trong phát triển kinh tế

Y Cal Êban, giám đốc hợp tác xã dịch vụ công bằng Ea Kmat, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Đắk đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và gắn kết các dân tộc tại địa phương.

Y Cal Êban sinh năm 1957, dân tộc Ê Đê, là cán bộ công an tỉnh. Năm 1990, nghỉ hưu, trở về quê lập nghiệp, Y Cal luôn trăn trở vì sao vùng đất tốt tươi thế sao đồng bào mình vẫn nghèo khổ. Sau nhiều năm quan sát, Y Cal thấy rằng nguyên nhân chính là do người dân còn sản xuất manh mún, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ suy nghĩ đó, năm 2010, Y Cal đã kêu gọi thành lập tổ liên minh hợp tác Hòa Đông, EA Tu. Với mô hình này, sự liên kết của người dân vẫn rất lỏng lẻo. Năm 2014, ông đã vận động thành lập HTX dịch vụ công bằng Ea Kmat.


Y Cal với những cây cà phê được chăm sóc theo quy trình chuẩn quốc tế.


Y Cal chia sẻ, ban đầu khi thành lập HTX ông cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đồng bào vẫn có định kiến với HTX, họ lo rằng khi vào sẽ bị thu sổ đỏ. Tuy nhiên, Y Cal đã kiên trì giải thích cho các hộ dân, đây là HTX dịch vụ kiểu mới nên khi tham gia, các thành viên sẽ có điều kiện sản xuất lớn, áp dụng tốt hơn khoa học kỹ thuật và tranh thủ được thị trường, các hộ dân vẫn là chủ đất của mình.


Với sự giải thích tận tình cặn kẽ của Y Cal, ngay trong năm 2014 tại buôn Ea Kmat đã có 99 thành viên tham gia, trong đó 92 thành viên là người Ê Đê (chiếm 92%), 82 thành viên là nữ (chiếm 82%).


Y Cal chia sẻ, vai trò của HTX hiện nay thể hiện rõ nhất là trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Trên diện tích 144 ha, các xã viên đều thống nhất chung một quy trình sản xuất và đã được công nhận chứng chỉ Fairtrade (chứng chỉ do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương Mại Công Bằng (FLO) cấp).


Theo quy trình sản xuất này, khâu đầu tiên là cập nhật kỹ thuật mới, sau đó tập huấn cho các hộ dân, tiếp đến là cấp giống chất lượng cao, từ đó theo dõi cây từ trưởng thành ra hoa đến thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cà phê được chế biến theo phương thức sản xuất hiện đại. Tiếp theo là khâu phân tích mẫu rồi mới đưa ra sản phẩm cuối cùng.


Khi đã chọn được mô hình sản xuất hợp lý, HTX còn thuê các chuyên gia là kỹ sư từ Viện Nông lâm Tây Nguyên, Trường đại học Tây Nguyên… về tập huấn, tư vấn và giám sát. Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư mua máy móc hiện đại để sản xuất và chế biến cà phê.


Cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, HTX nói chung và cá nhân Y Cal nói riêng còn chú trọng phát triển thị trường. Năm 2015, Y Cal đã mạnh rạn bỏ tiền túi hơn 200 triệu đồng đi khắp các tỉnh trong cả nước rồi sang cả Inđônêxia, Trung Đông tìm hiểu và phát triển thị trường.


Với những nỗ lực đó, hiện nay HTX đã phát triển ngày một lớn mạnh. Doanh thu hằng năm trên 10 tỷ đồng, thị trường xuất khẩu tương đối ổn định tại Anh và một số nước Trung Đông. Nhờ vào HTX nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, như hộ H’ Ven trước đây là hộ cận nghèo nay đã khá giả.


Bà H’Wing Ayun tâm sự, trước khi vào HTX, với 1,5 ha trồng cà phê gia đình bà chỉ thu hoạch được khoảng 1 tấn cà phê. Sau khi vào HTX mặc dù quy trình làm cà phê vất vả hơn, xong năm vừa rồi gia đình bà đã thu được 4,5 tấn cà phê. Thu nhập tăng từ 40 triệu lên gần 200 triệu/năm. Nhờ đó gia đình bà đã xây được nhà mới, sắm được xe, sắp tới còn cho con đi xuất khẩu lao động tại Nhật…


Không chỉ làm tốt vai trò là giám đốc HTX, trên cương vị người có uy tín, Y Cal tích cực hoạt động xã hội. Năm 2016, HTX đã trích hơn 300 triệu đồng hot động phúc lợi xã hội như tặng quà cho hộ nghèo, thăm hỏi các gia đình gặp thiên tai, xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa, tặng quà cho 27 trường hợp khuyết tật…


Với vai trò là người có uy tín, ông cũng thường xuyên kêu gọi đồng bào phát huy tinh thần đoàn kết, kêu gọi giáo dân sống tốt đời đẹp đạo… chính vì vậy đồng bào tại địa phương luôn sống đoàn kết hòa thuận.

Bài và ảnh: Minh Đức (Báo Tin tức)