11:23 23/11/2011

Xyri - Quả bom hẹn giờ

Sau những nỗ lực không mấy hiệu quả của Liên đoàn Arập (AL), cộng đồng quốc tế đang lo ngại về một kịch bản Libi sắp tái diễn ở Xyri, tức là Hội đồng Bảo an LHQ sẽ lại ra một nghị quyết, vùng cấm bay được thiết lập,...

Trong làn sóng bất ổn ở châu Phi, Trung Đông, sau Libi, mọi con mắt nay lại đổ dồn về Xyri, nơi những cuộc xung đột đẫm máu trong các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Bashar al- Assad từ chức kéo dài suốt 8 tháng qua dường như ngày càng “vô phương cứu chữa”. Sau những nỗ lực không mấy hiệu quả của Liên đoàn Arập (AL), cộng đồng quốc tế đang lo ngại về một kịch bản Libi sắp tái diễn ở Xyri, tức là Hội đồng Bảo an LHQ sẽ lại ra một nghị quyết, vùng cấm bay được thiết lập, NATO đưa máy bay đến ném bom hỗ trợ lực lượng chống đối cho đến khi lật đổ chính quyền hiện tại. Dù kịch bản này có xảy ra hay không thì bóng ma nội chiến ở Xyri đã hiện hữu và “quả bom” chiến tranh đang được đếm ngược từng ngày.

Sứ mệnh khó khăn

Đưa ra sáng kiến hòa bình, kêu gọi đối thoại quốc gia, đặt thời hạn chót để chấm dứt bạo lực, đề xuất triển khai quan sát viên, cảnh báo áp đặt trừng phạt kinh tế và chính trị, hay biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất là đình chỉ tư cách thành viên... đã được AL áp dụng. Thời hạn thực hiện những “phương thuốc” này cứ lần lượt trôi qua mà cơn bệnh khủng hoảng ở Xyri không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng trầm trọng hơn.
Thực tế, tổ chức này có những lựa chọn rất hạn chế trong giải quyết vấn đề Xyri do không muốn đẩy nước này vào một cuộc nội chiến như ở Libăng những năm 1970 hay Irắc thời hậu Saddam Hussein. Ngay việc khó khăn nhất là đình chỉ tư cách nước tham gia sáng lập AL 66 năm trước cũng sẽ chỉ khuyến khích các nhóm chống đối gây thêm bạo lực chống nhà cầm quyền Xyri mà thôi.


Hội nghị khẩn cấp các ngoại trưởng AL ngày 12/11 đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xyri, trong khi đông đảo người dân Xyri xuống đường bày tỏ sự ủng hộ dành cho chính quyền của Tổng thống Assad


Khả năng can thiệp của nước ngoài

Sau bốn tháng nỗ lực ít hiệu quả, AL từ chỗ hối thúc chính quyền Xyri ngăn chặn bạo lực nay muốn hướng tới giải pháp chấm dứt chính quyền của ông Assad.

Các nước Arập và có thể có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Mỹ, đang lên kế hoạch lập một vùng cấm bay sau khi AL kêu gọi bảo vệ thường dân Xyri theo hiến chương của tổ chức này.

Ngoài ra, gần đây nổi lên khả năng xảy ra sự can thiệp quân sự vào Xyri do Thổ Nhĩ Kỳ cầm đầu. Ancara, một thời là đồng minh thân cận với Đamát, đã cảnh báo ông Assad rằng thời gian để tránh kịch bản kinh tế sụp đổ và thay đổi chế độ sắp chấm dứt. Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm bán vũ khí cho Xyri, công nhận Hội đồng Dân tộc đối lập Xyri và cho phép các binh lính đảo ngũ Xyri được tị nạn. Ngoài kế hoạch lập vùng cấm bay, Ankara còn đang xem xét lập “vùng đệm” trên biên giới Xyri - Thổ Nhĩ Kỳ để làm nơi trú ẩn cho số người tị nạn đang ngày một tăng, đồng thời là căn cứ quân sự cho lực lượng đảo ngũ.

Trong khi đó, mặc dù phương Tây mong muốn được thấy một chính phủ mới ở Đamát, song giải pháp tấn công quân sự vào Xyri ít được nhắc tới ở Oasinhtơn, Pari hay Luân Đôn. Đất nước Trung Đông này phức tạp hơn nhiều so với Libi, với dân số gấp gần 4 lần và lực lượng quân đội 300.000 người hùng hậu hơn nhiều so với Libi. Các nước phương Tây hiện nghiêng về giải pháp tăng cường trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Đamát.

Hơn nữa, khả năng có một nghị quyết của HĐBA LHQ để mở đường cho sự can thiệp quân sự giống như Libi là rất khó vì hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Nga và Trung Quốc lại là đồng minh của Xyri. Hai nước này lo ngại việc ông Assad sụp đổ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của họ ở Trung Đông. Mátxcơva có lập trường rất rõ ràng là muốn đối thoại để giải quyết êm thấm cuộc khủng hoảng Xyri, phản đối bên ngoài hậu thuẫn phe đối lập, đặc biệt về vũ khí. Hiện 3 tàu chiến của Nga đã vào hải phận Xyri và sẽ hoạt động dọc theo bờ biển nước này để chống lại bất kỳ cuộc can thiệp nào của nước ngoài vào Xyri.

Ngay AL, dù các biện pháp không mấy hiệu quả, nhưng vẫn nỗ lực nhằm giữ thế chủ động và tránh sự can thiệp của phương Tây. Xyri vừa qua hoan nghênh nỗ lực của AL, cam kết thực hiện kế hoạch hòa bình, đồng thời kêu gọi AL họp thượng đỉnh khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng. Đề xuất AL họp khẩn cấp chủ yếu nhằm tránh quốc tế hóa trong giải quyết vấn đề này và gạt bỏ mọi khả năng can thiệp từ bên ngoài. Bản thân các phe phái chống chính quyền Xyri cũng không muốn phương Tây can thiệp bằng quân sự để lật đổ chế độ gia đình trị tồn tại suốt 4 thập kỷ qua ở nước này. Trong khi đó, NATO không có ý định can thiệp vào Xyri.

Bờ vực nội chiến

Cho dù xảy ra kịch bản nào thì Xyri vẫn đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” và quả bom nội chiến dường như đã được hẹn giờ.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các nước như Nga, Mỹ và Anh nay cũng liên tục cảnh báo về một cuộc nội chiến toàn diện ở Xyri nếu phe đối lập mạnh hơn, có quyết tâm, được vũ trang cũng như được hậu thuẫn tài chính tốt. Thực tế, các cuộc tấn công của các nhóm binh sỹ đảo ngũ nhằm vào các lực lượng Xyri ngày càng gia tăng, làm tăng khả năng xảy ra cuộc xung đột vũ trang lớn ở nước này. Thậm chí, kể cả trong trường hợp chính quyền của Tổng thống Assad bị lật đổ, mâu thuẫn, xung đột giữa các phe phái trong hàng ngũ đối lập, mà hiện đã bộc lộ rõ, chắc chắn còn kéo dài.

Giới phân tích cho rằng sự thay đổi chính quyền ở Xyri là điều tất yếu xảy ra, song bằng cách nào thì vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Chỉ có điều, dù “quả bom” Xyri đã lên giờ, song vẫn có thể được tháo ngòi nổ nếu những người chống đối bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, thấy được những bài học từ những nước như Ai Cập, Tuynidi, Libi để giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp hòa bình. Vấn đề Xyri chỉ có thể do chính người dân Xyri giải quyết.

Khánh Linh