11:10 13/11/2011

Xyri: Người biểu tình tấn công đại sứ quán Arập Xêút và Cata

Ngày 12/11, nhiều người dân Xyri đã biểu tình và tấn công các đại sứ quán Arập Xêút và Cata tại thủ đô Đamát, sau khi Liên đoàn Arập (AL) đình chỉ tư cách thành viên của Xyri với lý do quốc gia Trung Đông này trì hoãn thực thi thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng.

Ngày 12/11, nhiều người dân Xyri đã biểu tình và tấn công các đại sứ quán Arập Xêút và Cata tại thủ đô Đamát, sau khi Liên đoàn Arập (AL) đình chỉ tư cách thành viên của Xyri với lý do quốc gia Trung Đông này trì hoãn thực thi thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng.

Hãng thông tấn nhà nước SPA của Arập Xêút đưa tin những người biểu tình Xyri trong tâm trạng tức giận ngày 12/11 đã xông vào Đại sứ quán Arập Xêút tại thủ đô Đamát, đập vỡ cửa sổ và cướp phá bên trong. Trước đó, hàng trăm người đã tụ tập trước cửa tòa nhà Đại sứ quán Arập Xêút và ném đá vào trụ sở phái bộ ngoại giao này.

Ngày 12/11, AL đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xyri đến khi Tổng thống Xyri thực thi thoả thuận hoà bình do AL đề xuất nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong diễn biến khác, hàng trăm người biểu tình cũng đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Cata ở Đamát và trụ sở cơ quan ngoại giao của Cata tại một số thành phố khác để phản đối quyết định của AL. Những người biểu tình vẫy quốc kỳ Xyri, giương cao ảnh chân dung Tổng thống Bashar al-Assad và hô vang các khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo này. Một số người biểu tình đã phá cửa Đại sứ quán và xông lên nóc tòa nhà, hạ quốc kỳ Cata và thay bằng một lá cờ Xyri.

Cùng ngày, Đại sứ Xyri tại AL, ông Yusuf Ahmad tuyên bố quyết định của AL đình chỉ tất cả các hoạt động của Xyri tại tổ chức liên Arập này là bất hợp pháp và đi ngược lại các nguyên tắc của AL. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Xyri, ông Amát cáo buộc AL hành động "theo chương trình nghị sự của phương Tây và Mỹ" khi đưa ra một quyết định kiểu như vậy. Ông Amát cho rằng quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Đamát tại AL nên được tất cả các thành viên nhất trí thông qua, chứ không nên đưa ra theo hình thức đa số.

Ngay trước đó, tại cuộc họp cấp bộ trưởng của AL tại Cairô, tổng cộng 18 trong số 22 nước thành viên AL đã nhất trí đình chỉ tất cả các hoạt động của phái đoàn Xyri tại tổ chức này. Libăng, Yêmen và Xyri bỏ phiếu chống, trong khi Irắc bỏ phiếu trắng.

Nhiều nước phương Tây ngay lập tức hoan nghênh động thái trên của AL. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng đó là một hành động quan trọng cho thấy chính quyền Xyri đang ngày càng bị cô lập về chính trị. Quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại và chính sánh an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bàCatherine Ashton tuyên bố EU hoan nghênh và "hoàn toàn ủng hộ" quyết định của AL.

Ngoại trưởng Anh William Hague, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cũng lên tiếng ủng hộ quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Xyri, cho rằng đó là nỗ lực của AL nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn tại Xyri./.


TTXVN/Tin Tức