07:00 16/07/2012

Xyri bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hạng nặng ở Traimseh

Chính quyền Xyri ngày 15/7 đã phủ nhận việc các lực lượng của nước này sử dụng xe tăng và máy bay lên thẳng trong cuộc tấn công tại làng Traimseh thuộc tỉnh Hama (miền trung Xyri) hôm 12/7, cho rằng những gì diễn ra tại đây là kết của cuộc giao tranh với các phiến quân chứ không phải là một vụ "thảm sát".

* Iran sẵn sàng làm trung gian đàm phán

Chính quyền Xyri ngày 15/7 đã phủ nhận việc các lực lượng của nước này sử dụng xe tăng và máy bay lên thẳng trong cuộc tấn công tại làng Traimseh thuộc tỉnh Hama (miền trung Xyri) hôm 12/7, cho rằng những gì diễn ra tại đây là kết của cuộc giao tranh với các phiến quân chứ không phải là một vụ "thảm sát".


 

UNSMIS thị sát trường học bị tấn công ở Traimseh ngày 14/7. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri Jihad Makdissi cho biết có 39 người thiệt mạng tại Traimseh, trong đó có 37 tay súng và 2 dân thường, và lực lượng chính phủ chỉ sử dụng vũ khí hạng nhẹ để tấn công 5 tòa nhà. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Đamát, ông Makdissi khẳng định: "Lực lượng chính phủ không sử dụng máy bay lên thẳng và xe tăng. Những gì xảy ra không phải một cuộc tấn công của quân đội vào các thường dân vô tội".


Trước đó, Phái bộ Quan sát viên Liên hợp quốc tại Xyri (UNSMIS) ngày 14/7 đã tới làng Traimseh để điều tra tìm kiếm sự thật.


Các quan sát viên của UNSMIS nhận định vụ tấn công ở ngôi làng này dường như nhằm vào các nhóm và ngôi nhà cụ thể, chủ yếu là các nhà hoạt động và những đối tượng đào ngũ khỏi quân đội. Nhóm quan sát viên cũng đã tới xem xét các ngôi nhà bị phá hủy và một trường học bị đốt cháy, cho rằng có nhiều loại vũ khí được sử dụng trong cuộc tấn công bao gồm đạn pháo, súng cối và vũ khí hạng nhẹ. Về thương vong cụ thể, UNSMIS nói rằng chưa có xác định rõ ràng.


UNSMIS không nói rõ lực lượng nào có khả năng là thủ phạm, trong bối cảnh chính phủ Xyri và phe đối lập ở nước này đang đổ lỗi lẫn nhau về vụ thảm sát kinh hoàng ở Traimseh.


Chính phủ Xyri nói rằng theo yêu cầu của người dân bị các nhóm vũ trang hăm dọa, quân đội đã tiến hành một chiến dịch tại Traimseh nhằm vào các đối tượng này. Trước đó, Đài Truyền hình nhà nước Xyri khẳng định, các nhóm vũ trang chống đối đã tiến hành cuộc thảm sát đẫm máu này nhằm vu khống chính phủ Xyri.


Trong khi đó, lực lượng đối lập cáo buộc quân đội chính phủ đứng đằng sau thảm kịch tại Traimseh, đồng thời mô tả quân đội Xyri, với sự yểm trợ của xe tăng và máy bay trực thăng, đã tiến hành vụ thảm sát.


Tổ chức Giám sát nhân quyền Xyri (trụ sở tại Anh) nhận định, đây dường như là vụ thảm sát nghiêm trọng nhất tại Xyri kể từ khi nổ ra làn sóng nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011. Nếu được xác nhận con số thương vong, vụ việc ở Traimseh có mức độ thảm khốc còn hơn cả vụ thảm sát tại Houla ngày 25/5 làm ít nhất 108 người thiệt mạng.


Vụ thảm sát tại Traimseh một lần nữa làm dấy lên sự lên án của cộng đồng quốc tế, khiến nhiều cường quốc lặp lại kêu gọi LHQ cần đưa ra một nghị quyết yêu cầu giới lãnh đạo Xyri rút quân đội và vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực dân cư sinh sống trong vòng 10 ngày, nếu không Đamát sẽ phải đối mặt với các trừng phạt phi quân sự. Tuy nhiên, một nghị quyết như vậy cần được thông qua theo Chương 7 trong Hiến chương LHQ mà như vậy sẽ cho phép sử dụng cả vũ lực quân sự để áp đặt thực thi. Nga đã thể hiện sự phản đối với một nghị quyết mới như vậy. Cùng với Nga, Trung Quốc - một nước ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ, cho tới nay vẫn phản đối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Xyri.


Theo hãng tin Pháp AFP, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan sẽ sớm thảo luận với các quan chức Nga và Trung Quốc về vấn đề Xyri. Nhân tham dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi ở Bắc Kinh từ ngày 16/7, TTK Ban Ki-moon dự kiến sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì với một trong những chủ đề chính là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Xyri hiện nay. Còn Đặc phái viên Kofi Annan trong chuyến thăm Nga ngày 16 và 17/7 cũng sẽ có các cuộc làm việc với Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov.


Trong một diễn biến liên quan, chính phủ Iran ngày 15/7 tuyên bố Têhêran sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán giữa chính phủ Xyri và lực lượng đối lập nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Hãng thông tấn Sinh viên Iran dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nói: "Cộng hòa Hồi giáo Iran sẵn sàng ngồi lại với phe đối lập Xyri và mời họ tới Iran... Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa phe đối lập và chính phủ Xyri".


Theo giới quan sát, tuyên bố trên có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi cách tiếp cận của giới chức Iran trong vấn đề Xyri. Trước đây, Têhêran kiên định lập trường ủng hộ nỗ lực trấn áp nổi dậy của Tổng thống Assad và nhiều lần cáo buộc phương Tây cùng các cường quốc khu vực can thiệp vào công việc nội bộ của Xyri.

Minh Hạnh (tổng hợp)