08:12 19/08/2020

Xung quanh việc khắc phục sai sót của dự án đường dây 500kV

Dự án đường dây 500kV Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư là một trong những dự án trọng điểm. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện dự án, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện khá nhiều tồn tại, sai sót ở dự án này. Vậy cho đến nay, việc thực hiện khắc phục các sai sót đã được EVNNPT thực hiện đến đâu?

Chú thích ảnh
Thi công đường dây 500kV Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên. Ảnh: XH.

Chậm dự án do giải phóng mặt bằng

Dự án đường dây 500kV Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên có tổng mức đầu tư hơn 5.333 tỷ đồng do EVNNPT huy động và vốn vay thương mại NEXI (bảo lãnh Chính phủ). Dự án được thực hiện theo Quyết định phê duyệt dự án là từ 2013 đến năm 2018. Nhưng thực tế, đến cuối năm 2015 dự án mới khởi công, nghiệm thu đóng điện giai đoạn 1 ngày 28/9/2018, nghiệm thu đóng điện giai đoạn 2 ngày 30/1/2019 và đóng điện vận hành đường dây vào ngày 2/6/2019.

Dự án này nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam, tạo liên kết nguồn điện lớn trong tương lai của Nam Trung Bộ với hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện kiểm toán từ 4/9/2019 - 28/10/2019, ngày 6/12/2019, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản số 582/KTNN-TH gửi EVNNPT kèm theo Báo cáo kiểm toán. Theo nội dung báo cáo, quá trình thực hiện dự án đã xảy ra tồn tại và sai sót ở nhiều khâu.

Báo cáo của Kiểm toán nhà nước chỉ rõ các sai sót trong: Công tác lựa chọn nhà thầu; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán; công tác nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng; giải phóng mặt bằng…
Những sai sót trên đã khiến tiến độ toàn dự án chậm 9 tháng so với quy định trong Quyết định phê duyệt dự án đầu tư do chậm tiến độ tại các gói thầu. Tiến độ thực hiện gói thầu xây lắp số 7 (8 lô) còn chậm 20 tháng so với yêu cầu hợp đồng ban đầu, gói thầu số 12, 13 đến 10/2019, tiến độ chậm 10 tháng và 16 tháng. Theo Kiểm toán nhà nước, việc này đã làm giảm tính kinh tế và hiệu quả của dự án.

Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hữu Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam (SPMB) cho biết, Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam (SPMB) là đơn vị trực thuộc được EVNNPT giao thực hiện dự án. Tuyến Đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân –  rẽ Sông Mây – Tân Uyên có tổng chiều dài hơn 243km, đi qua địa bàn 5 huyện của tỉnh Bình Thuận và 5 huyện/thị của tỉnh Đồng Nai. Vì thế, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Ông Thành cho hay, trong vai trò là đơn vị đại diện chủ đầu tư, SPMB đã phối hợp với Hội đồng bồi thường các địa phương để làm những thủ tục theo quy định của nhà nước và thực hiện chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do tuyến đường dây quá dài, số hộ dân bị ảnh hưởng quá lớn, việc tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận với chính sách bồi thường, hổ trợ do địa phương ban hành là hết sức khó khăn. Vì vậy, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho đơn vị thi công bị chậm trễ khá nhiều dẫn đến tiến độ thi công gói thấu số 7 bị chậm trễ theo.
Việc này là hoàn toàn khách quan và SPMB đã thực hiện các thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng Gói thầu số 7: Xây lắp đường dây dự án Đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên đến tháng 4/2019 theo đúng qui định tại khoản 3, Điều 59, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ về qui định chi tiết hợp đồng xây dựng.

“Tuy tiến độ dự án có chậm trễ, nhưng cũng đã hoàn thành kịp tiến độ phát điện của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, công trình đóng điện vận hành đường dây vào 2/6/2019, vẫn kịp thời giải tỏa công suất cho các nhà máy điện trong khu vực, không làm ảnh hưởng đến việc vận hành chung của toàn hệ thống và không gây ra thiệt hại”, ông Trương Hữu Thành khẳng định.

Kết luận của Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án còn nhiều hạn chế. Theo quy định tại khoản 1,2 Điều 31, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Khoản 1,2 Điều 3, Thông tư 74/2015/TT-BTC yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập dự toán chi phí thực hiện bồi thường, tái định cư của từng dự án theo quy định nếu kinh phí lớn hơn 2%. Tuy nhiên, đến thời điểm 10/2019, đơn vị chưa cung cấp hồ sơ pháp lý, dự toán làm căn cứ phê duyệt tỷ lệ 3% và 5% tương ứng với giá trị hơn 3,8 tỷ đồng tại địa bàn tỉnh Bình Thuận và hơn 15 tỷ đồng ở Đồng Nai.

Về nội dung này, đại diện EVNNPT cho hay, theo quy định tại Điều 31, Nghị định 47/2014/NĐCP ngày 15/5/2014 và Thông tư 74/2015/TT-BTC đối với các dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến thì tổ chức được giao thực hiện được lập dự toán kinh phí tổ chức bồi thường theo khối lượng công việc thực tế, không khống chế mức trích 2%. Do đó, các địa phương có đường dây đi qua đã lập và phê duyệt chi phí tổ chức giải phóng mặt bằng của địa phương mình với tỉ lệ 3% và 5%; đây là tỉ lệ chung mà địa phương áp dụng cho các dự án trên địa bàn không riêng dự án Đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên. Để có thể hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, SPMB phải chấp hành chủ trương chính sách của địa phương.

“Trong báo cáo gửi kiểm toán ngày 30/3/2020, SPMB có nêu các kiến nghị của kiểm toán đã được khắc phục (trừ hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng đang phối hợp với các địa phương để hoàn thiện hồ sơ) thì đến thời điểm này công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện theo yêu cầu của kiểm toán nhà nước”, ông Trương Hữu Thành cho hay.

Tăng, phát sinh dự toán hàng chục tỷ đồng  

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo của Kiểm toán nhà nước chỉ rõ: Trong công tác khảo sát, việc vạch tuyến chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phải khảo sát bổ sung đoạn tránh khu công nghiệp DOFICO và đoạn đầu nối vào Đường dây 500kV – Tân Uyên với giá trị 2,958 tỷ đồng.

Về công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế và dự toán, đơn vị còn tính sai một số nội dung, làm tăng dự toán các gói thầu (gói thầu số 03, 04, 07). Gói thầu số 03 có dự toán trọng lượng thép cột tính toán bao gồm khối lượng mạ kẽm là chưa đúng với hướng dẫn của Bộ Công Thương với giá trị là hơn 20 tỷ đồng. Đặc biệt, gói thầu số 07 (xây lắp đường dây), dự toán gói thầu tính sai hơn 46 tỷ đồng.

Việc nghiệm thu sai thanh toán sai khối lượng dẫn đến thanh tra bộ Xây dựng giảm trừ 886 triệu đồng; Nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu chưa chuẩn xác dẫn đến qua kiểm toán giảm trừ các gói thầu là hơn 26 tỷ đồng...

Về vấn đề này, đại diện EVNNPT lý giải, đối với gói thầu số 3 (cung cấp cột thép), đơn giá cột thép mạ kẽm trong dự toán được tính trên cơ sở tham khảo một số hợp đồng trúng thầu tương tự của một số dự án khác trong giai đoạn 2012-2014. Việc này phù hợp với quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Qua đó, cơ quan Kiểm toán nhà nước nhận xét việc áp dụng đơn giá cột thép của các dự án ở khu vực khác trong dự toán gói thầu đối với dự án này là không tương thích về chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong gói thầu nên kiểm toán nhà nước chỉ ghi nhận “chưa đúng với hướng dẫn định mức sản xuất kết cấu thép mạ kẽm” ban hành theo văn bản số 10041/BCT-TCNL ngày 31/10/ 2011 của Bộ Công Thương.

Thực tế, dự toán gói thầu số 3 được EVNNPT phê duyệt có giá trị thấp hơn 14,94% so với giá gói thầu phê duyệt trong Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Và quá trình thanh quyết toán đã thực hiện đúng bản vẽ thiết kế, hoàn công.

Đối với gói thầu số 4 (cung cấp dây dẫn), ông Trương Hữu Thành cho biết, đơn giá dây dẫn và dây chống sét áp dụng trong gói thầu số 4 được tham khảo một số hợp đồng trúng thầu tương tự tại thời điểm lập dự toán; phù hợp với quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ.

Đối với gói số 7 (xây lắp đường dây), đại diện EVNNPT cho biết, khi đấu thầu hình thức hợp đồng được phê duyệt là hợp đồng theo đơn giá với khối lượng mời thầu là “cột” và “móng”. Do giai đoạn tổ chức nhà thầu, tài liệu thiết kế đính kèm theo hồ sơ mời thầu là thiết kế kỹ thuật; giai đoạn thi công tư vấn tiếp tục phát hành “Thiết kế bản vẽ thi công”.

Do có sự sai khác về khối lượng giữa dự toán gói thầu lập trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật so với thực tế ở giai đoạn thi công, dựa trên Bản vẽ thi công. Trong khi hợp đồng được ký kết với loại hình “theo đơn giá cố định”. Căn cứ Khoản 6, Điều 19 của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, việc “thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành (kể cả khối lượng tăng hoặc giảm, nếu có) được nghiệm thu của từng lần thanh toán và đơn giá trong hợp đồng”.

Do nhận thấy có sự sai khác về khối lượng giữa thiết kế bản vẽ thi công và tiên lượng trong Hồ sơ mời thầu (được lập theo thiết kế kỹ thuật) theo xu hướng giảm, SPMB đã phối hợp với nhà thầu xây lắp thương thảo, tính toán để điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng. Tuy nhiên do loại hình hợp đồng là đơn giá cố định, việc thương thảo cần nhiều thời gian nhưng cuối cùng SPMB và nhà thầu đã đạt được thỏa thuận trong việc đàm phán, thống nhất giảm giá hợp đồng với khối lượng theo bản vẽ thi công.

“Vấn đề này đã được Kiểm toán nhà nước ghi nhận trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại SPMB, đồng thời chấp thuận cho SPMB ký phụ lục hợp đồng để giảm trừ giá trị quyết toán với nhà thầu. Đến nay, SPMB đã hoàn tất giảm trừ các giá trị sai lệch khi nghiệm thu thanh toán theo kết luận của Thanh tra Bộ xây dựng và Kiểm toán nhà nước”, ông Trương Hữu Thành cho biết.

Đã tiến hành họp kiểm điểm các cá nhân, tập thể

Theo nhận định của Kiểm toán nhà nước, dự án được xây dựng hoàn thành đảm bảo mục tiêu kết nối trung tâm điện lực Vĩnh Tân với hệ thống điện quốc gia, tạo tiền đề liên kết các nguồn điện lớn khác của khu vực Nam Trung Bộ với hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, công trình chậm tiến độ so với dự kiến, thực hiện chưa đúng quy định trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đầu tư xây dựng... đã làm hạn chế tính kinh tế và hiệu quả của dự án.

Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị SPMB và EVNNPT thực hiện xử lý tài chính, thực hiện các vấn đề về quyết toán tài chính, nghiệm thu...Đồng thời, yêu cầu SPMB kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân, tập thể để xảy ra tồn tại, thiếu sót trong quá trình công tác.

Đối với EVNNPT, Kiểm toán nhà nước kiến nghị EVNNPT chỉ đạo SPMB thực hiện đầy đủ kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư còn để xảy ra thiếu sót, tồn tại trong thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu số 3, 4 và 7 chưa đúng quy định.

Về nội dung này, ông Phạm Xuân Hường, Trưởng Ban Truyền thông EVNNPT cho hay, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, EVN và EVNNPT đã chỉ đạo SPMB và các bộ phận liên quan tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm những sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Các thành viên tham dự cuộc họp đã thảo luận, phân tích và nhận thấy rẳng việc xảy ra những thiếu sót nêu trên là nguyên nhân khách quan, những sai sót đã được kịp thời khắc phục. Các cá nhân và tập thể không có động cơ cố ý làm trái nhằm trục lợi cá nhân. Bản thân các tập thể cá nhân liên quan đã nhận thấy những thiếu sót, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

“Vì vậy, hình thức kiểm điểm với các cá nhân, tập thể để xảy ra vi phạm tại Dự án đường dây 500kV TTĐL Vĩnh Tân – rẽ Sông Mây – Tân Uyên là phê bình, nhắc nhở. Các cá nhân, tập thể liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh xảy ra sai sót cho các dự án khác”, ông Phạm Xuân Hường cho hay.

Thu Trang