06:07 02/06/2012

Xung quanh chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Putin

Ngày 31/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông quay trở lại Điện Kremlin nắm giữ chức tổng thống nhiệm kỳ thứ ba.

Ngày 31/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông quay trở lại Điện Kremlin nắm giữ chức tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Chuyến công du kéo dài 1 tuần này sẽ đưa ông tới một số nước thuộc Liên Xô trước đây (bao gồm Bêlarút, Cadắcxtan và Udơbêkixtan), Trung Quốc, nước láng giềng lớn nhất của Nga, và hai cường quốc châu Âu là Đức và Pháp.


 

Tổng thống Putin (trái) duyệt đội danh dự của Bêlarút ngày 31/5/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Theo các chuyên gia Nga, chuyến công du này của Tổng thống Putin cho thấy những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ mới, đó là tìm kiếm mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn với Trung Quốc, tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), và tìm kiếm sự tương tác tích cực với châu Âu để duy trì "quan hệ ngoại giao cân bằng" trong tương lai.


Sau khi ông Putin nhậm chức, một số người dự đoán chính sách đối ngoại của Nga sẽ chuyển trọng tâm sang phía Đông, trong khi nhiều người khác tin rằng Nga sẽ vẫn duy trì sự cân bằng ngoại giao giữa Tây và Đông. Các nhà phân tích tin rằng ông Putin đã cố ý không đi thăm Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống nhiệm kỳ ba, nhưng ông lại đến Đức và Pháp - hai đối tác kinh tế chính của Nga ở châu Âu.


Sự vắng mặt của ông Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 vừa qua ở Trại David (Mỹ) và việc Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định không tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Vladivostok (Nga) vào tháng 9 tới là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Nga - Mỹ, vốn "cơm không lành, canh chẳng ngọt", càng thêm lạnh nhạt trong bối cảnh ông Putin đưa ra những chỉ trích gay gắt đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.


Trong những năm qua, Nga đã ráo riết tăng cường hội nhập với Bêlarút và Cadắcxtan. Cả ba nước đã thống nhất thành lập một liên minh kinh tế Âu - Á vào năm 2015 để tạo điều kiện cho việc giao thương về người, tiền và hàng hóa. Là những nước ủng hộ chính cho sự hội nhập của SNG, Bêlarút và Cadắcxtan đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Nga để giúp ông Putin gây ảnh hưởng đối với cả khu vực.


Các chuyên gia cho rằng ông Putin cũng coi chuyến thăm Udơbêkixtan có ý nghĩa đặc biệt vì nước Trung Á này đang dao động giữa Đông và Tây và giữ thái độ cảnh giác đối với quá trình hội nhập. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, bắt đầu từ năm ngoái, quan hệ Nga-Udơbêkixtan đã nồng ấm hơn khi Udơbêkixtan tham gia tích cực hơn trong các hoạt động của SNG so với trước khi Nga thể hiện tầm ảnh hưởng mạnh hơn đối với các nước thuộc SNG.


Trong chuyến thăm tới Đức và Pháp, nhiều ý kiến cho rằng ông Putin sẽ tìm kiếm một sự tiếp cận lớn hơn đối với các thị trường năng lượng châu Âu và vận động hành lang cho các doanh nghiệp Nga quan tâm tới việc sở hữu các tài sản công nghiệp ở châu Âu. Có lẽ, ông Putin hy vọng rằng cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu sẽ khiến Béclin và Pari dễ chấp thuận các đề nghị của Nga hơn. Tổng Biên tập tạp chí "Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu", ông Fyodor Lykyanov, bình luận ngày 29/5: "Ông Putin hi vọng trong bối cảnh khủng hoảng và bất ổn hiện nay, các nước lớn sẽ tìm kiếm sự ủng hộ nằm ngoài quỹ đạo quen thuộc của họ".


Trong chuyến công du này, ông Putin sẽ ở thăm Trung Quốc lâu nhất (trong ba ngày từ 5-7/6). Theo Giám đốc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga Eugeny Bazhanov, chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin mang rất nhiều ý nghĩa. Trong chuyến thăm này, Nga sẽ tái khẳng định mong muốn duy trì quan hệ hiện có với Trung Quốc và hai bên sẽ đề cập đến rất nhiều vấn đề liên quan tới sự phát triển tiếp theo của mình.


Trong bài báo hồi tháng 2/2012 với tiêu đề "Nga và Thế giới đang thay đổi", ông Putin đã xếp Trung Quốc vào diện ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương. Ông đã bác bỏ quan điểm cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nga. Ngược lại, ông coi đây là cơ hội lớn đối với Nga. Ông kêu gọi Nga tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc để "hứng 'gió Trung Quốc' cho cánh buồm kinh tế của chúng ta". Ông Lykyanov cho rằng, quan hệ Nga - Trung sẽ được duy trì tốt đẹp vì hai nước đều rất cần đến nhau, và thông qua việc đi thăm Trung Quốc ngay trong chuyến công du đầu tiên này, ông Putin đã thể hiện "sự chân tình" của mình.


Nga cũng tìm được điểm chung với Trung Quốc trong việc chống lại cái mà cả hai nước coi là chiến dịch thống trị toàn cầu của Mỹ. Cả hai cùng nỗ lực chống lại việc phương Tây tăng cường trừng phạt đối với Iran và Xyri.

 

TTK