12:23 25/12/2012

Xung quanh chiến lược "tái cân bằng" quân sự của Mỹ

Mạng tin "CentralJersey" (Mỹ) ngày 24/12 nhận định chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực theo đuổi một chiến lược quân sự gọi là "trở lại" hoặc "tái cân bằng" lực lượng quân sự Mỹ bằng cách giảm bớt sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ ở châu Âu cũng như Trung Đông ...

Mạng tin "CentralJersey" (Mỹ) ngày 24/12 nhận định chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực theo đuổi một chiến lược quân sự gọi là "trở lại" hoặc "tái cân bằng" lực lượng quân sự Mỹ bằng cách giảm bớt sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ ở châu Âu cũng như Trung Đông và triển khai phần lớn lực lượng quân đội Mỹ ở vành đai Thái Bình Dương.


 

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được triển khai trong chiến lược tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

 

Oasinhtơn triển khai chiến lược mới để ngăn chặn sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng tăng cường các liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ôxtrâylia, Philíppin và nhiều nước khác trong khu vực. Với dân số và sản lượng kinh tế chiếm hơn một nửa dân số và sản lượng kinh tế thế giới, Thái Bình Dương là một khu vực thu hút sự quan tâm đáng kể của Mỹ cũng như nhiều nước khác.


Trong một bài báo đăng trên "Tạp chí Chính sách Đối ngoại" của Mỹ gần đây, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhấn mạnh vào vấn đề thương mại - kinh tế và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương. Bà khẳng định: “Phục hồi kinh tế của chúng ta ở trong nước sẽ phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và khả năng của các công ty Mỹ trong việc khai thác khu vực tiêu dùng ngày càng phát triển và rộng lớn của châu Á - Thái Bình Dương, duy trì nền hòa bình và an ninh khắp khu vực ngày càng quan trọng cho tiến bộ toàn cầu". Để thực hiện điều đó, Mỹ "sẽ thúc đẩy sự hiện diện quân sự khắp khu vực". Chính sách “trở lại châu Á - Thái Bình Dương”, trong đó chính quyền Mỹ đang tìm cách giành sự thống trị quân sự trong khu vực, đồng thời cạnh tranh tăng trưởng kinh tế với Trung Quốc ở vành đai Thái Bình Dương, từ đó đặt ra một số câu hỏi quan trọng.


Mỹ đang nợ Trung Quốc hơn 1.000 tỷ USD. Nếu Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vành đai Thái Bình Dương, họ sẽ có những hành động nhất định và điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ. Đến nay, các nhà đầu tư và kinh doanh Mỹ đã đầu tư hơn 50 tỷ USD ở Trung Quốc. Liệu chiến lược tái cân bằng lực lượng quân sự Mỹ có ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh doanh Mỹ - Trung? Một nhà quan sát Mỹ cho rằng thay vì thể hiện sức mạnh quân sự, nền ngoại giao có thể có lợi hơn trong việc giúp Trung Quốc và kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là chính sách sai lầm của Mỹ đối với Trung Quốc có thể tạo nên một thái độ "Chiến tranh Lạnh" giữa hai nước và gây hậu quả nghiêm trọng cho các nước trong khu vực.


Vành đai Thái Bình Dương rất quan trọng cho kinh tế Mỹ, nhưng thách thức đặt ra là liệu Mỹ có đủ các nguồn lực để thực hiện cam kết như vậy ở khu vực Thái Bình Dương? Liệu các chương trình cắt giảm lực lượng quân sự theo kế hoạch của Mỹ có ảnh hưởng đến chiến lược “trở lại” hay “tái cân bằng" quân sự? Đánh giá Chiến lược Quốc phòng năm 2012 của Mỹ nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng phải tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động”. Điều này đòi hỏi Lầu Năm Góc phải cắt giảm chi phí nhân lực và cũng có nghĩa là Lầu Năm Góc không những phải cắt giảm quân số chiến đấu mà còn lệ thuộc nhiều hơn các đơn vị Cảnh vệ Quốc gia và Lực lượng Dự bị, do đó gây căng thẳng nhiều hơn cho các tổ chức này.


Hơn nữa, liệu tình trạng rối loạn tiếp tục diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi có trở thành khó khăn cho Mỹ trong tương lai, từ đó có thể ảnh hưởng đến chiến lược tái cân bằng? Do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, khoản nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách ngày càng tăng..., liệu chính quyền Mỹ có thể thực hiện các cam kết quân sự lâu dài ở châu Á hoặc các khu vực khác trên thế giới? Liệu Mỹ có thể tiếp tục đóng vai trò của một cường quốc thế giới khi khoản nợ của Mỹ đang ở mức 16.000 tỷ USD và Mỹ vẫn tiếp tục vay nhiều hơn nữa? Có khả năng Quốc hội và Nhà Trắng sẽ nâng mức trần nợ. Điều đó có thể hiểu rằng trong 4 năm tới, nợ quốc gia của Mỹ có thể tăng lên 20.000 tỷ USD. Vậy làm sao Lầu Năm Góc có thể đủ tiền để mua sắm các loại vũ khí công nghệ cao cần thiết để đáp ứng yêu cầu của chiến lược quân sự “Trận chiến Không - Biển” mới? Liệu Mỹ có thể tiếp tục thực hiện vai trò “sen đầm thế giới”? Hay phải chăng Mỹ đang sử dụng chiến lược “trở lại” hay "tái cân bằng" chỉ để giành lại sự thống trị ở vành đai Thái Bình Dương và bảo vệ các nước đồng minh hoặc bảo vệ các công ty kinh doanh của Mỹ trong khu vực?


Hữu Trung