01:23 04/01/2012

Xung quanh chiến lược quốc phòng sửa đổi của Mỹ

Các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, bản đánh giá lại các lợi ích chiến lược của Mỹ, có thể khiến Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách vào những năm tới, sẽ đề xuất việc giảm số lượng binh lính Mỹ đồn trú tại châu Âu...

Các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết, bản đánh giá lại các lợi ích chiến lược của Mỹ, có thể khiến Lầu Năm Góc cắt giảm ngân sách vào những năm tới, sẽ đề xuất việc giảm số lượng binh lính Mỹ đồn trú tại châu Âu và từ bỏ mục tiêu duy trì một lực lượng có khả năng chiến đấu và giành thắng lợi đồng thời ở cả hai cuộc chiến tranh như ở Irắc và Ápganixtan.

Ngày 3/1/2012, Lầu Năm Góc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ công bố kết quả quá trình xem xét lại chiến lược kéo dài 8 tháng tại cuộc họp chung với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân là Tướng Martin Dempsey vào hôm nay (5/1). Một quan chức chính phủ đã nói đến khả năng rút thêm một lữ đoàn khỏi châu Âu và chỉ để lại hai lữ đoàn tại khu vực này (một lữ đoàn thường bao gồm 3.000 - 4.000 quân tùy thuộc cơ cấu tổ chức).

Quan chức nói trên cho biết, bản đánh giá chiến lược có thể sẽ khuyến cáo Mỹ từ bỏ tham vọng lâu nay là cùng lúc tiến hành và giành chiến thắng trong cả hai cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Trước thềm cuộc họp ngày 5/1, quan chức giấu tên này cho rằng thay vào đó, Mỹ chỉ nên tập trung chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc chiến chính, đồng thời tiến hành điều tra và ngăn chặn các kế hoạch tấn công khác của "kẻ thù thứ hai".

Bản đánh giá chiến lược này do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đề xuất, sau khi Tổng thống Barack Obama yêu cầu các quan chức quốc phòng cắt giảm 400 tỷ USD trong kế hoạch chi tiêu của 12 năm tới mà không gây ảnh hưởng tới các lợi ích chiến lược của quốc gia. Mặc dù chưa được thông qua, song kế hoạch cắt giảm chi tiêu này được cho là sẽ cắt giảm số quân và nhân viên quốc phòng, tạm ngừng sản xuất hoặc giảm bớt hệ thống vũ khí tân tiến như máy bay chiến đấu tàng hình F-35, đồng thời từng bước tiến hành kiểm soát các chi phí y tế vốn đang ngày càng tăng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng, chiến lược đã xác định rằng "chúng ta đang ở một bước ngoặt sau một thập kỷ tham chiến, với những thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi việc tái xác định các ưu tiên quốc phòng".

Các kết quả đánh giá được đưa ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc bắt đầu thảo luận về các vấn đề chi tiêu trước thời hạn Tổng thống Obama công bố ngân sách tài khóa 2013 vào ngày 6/2 (sẽ có hiệu lực từ tháng 10/2012).

Một quan chức quốc phòng cao cấp khác cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta sẽ công bố một số chi tiết có thể làm ảnh hưởng đến các chương trình vũ khí lớn, nhưng cũng nói thêm rằng ông không nghĩ sẽ có nhiều chương trình bị hủy bỏ. Những nhà thầu vũ khí lớn như Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman đang hết sức lo lắng chờ đợi thông tin liên quan tới việc cắt giảm các hạng mục lớn trong kế hoạch ngân sách mới. Một quan chức quốc phòng cấp cao, yêu cầu giấu tên, cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng "chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất vũ khí".

Một nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Panetta sẽ thông báo tạm ngừng một số chương trình vũ khí mới, trong đó bao gồm cả việc dừng chương trình thay thế tàu ngầm lớp Ohio và đóng tàu sân bay Ford thứ 2 trong hai năm. Bộ trưởng Panetta có thể cũng sẽ công bố kế hoạch giảm quy mô sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Ngoài việc cắt giảm các chương trình lớn, nguồn tin trên cho biết, chương trình cắt giảm ngân sách tài khóa 2013 có khả năng sẽ bao gồm tạm hoãn sản xuất vũ khí, cắt giảm quân số và thay đổi quỹ lương hưu và chăm sóc y tế.

Năm 2011, trong nỗ lực nhằm kiểm soát khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của chính phủ, Tổng thống Obama và quốc hội đã nhất trí một thỏa thuận cắt giảm chi tiêu quốc phòng trị giá hơn 1.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Đợt cắt giảm đầu tiên sẽ khiến chi tiêu giảm khoảng 350 tỷ USD xuống còn gần 500 tỷ USD, phụ thuộc vào việc cân đối các dự án của Ủy ban Ngân sách Quốc hội hoặc việc chi tiêu ngân sách dự án của Lầu Năm Góc. Bộ Quốc phòng hiện đang phải đối mặt với đợt cắt giảm toàn diện thứ 2, có thể giảm chi tiêu thêm 600 tỷ USD sau khi "siêu ủy ban" của quốc hội không thống nhất được các biện pháp khác để cắt giảm ngân sách.

TTK (Theo Reuters)