10:13 30/10/2020

Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Tổng thống Nga V.Putin đưa ra hướng giải quyết xung đột

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng để có thể giải quyết được cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh, cần phải đạt được sự cân bằng lợi ích giữa Azerbaijan và Armenia.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau vụ pháo kích trong cuộc xung đột giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia tại thành phố Stepanakert thuộc khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư vốn VTB với chủ đề "Russia Calling" (Nước Nga mời gọi) diễn ra ngày 29/10, Tổng thống Putin đã đưa ra tuyên bố trên, đồng thời cho rằng việc giải quyết xung đột theo hướng phù hợp với lợi ích của cả Azerbaijan và Armenia là giải pháp mang tính lâu dài. Theo ông, xung đột tại Nagorny-Karabakh phải được giải quyết để người dân cảm thấy an toàn, đồng thời tạo điều kiện để các vùng lãnh thổ phát triển hiệu quả. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng cuộc giao tranh kéo dài nhiều thập kỷ này đang cản trở sự phát triển hiệu quả của mỗi bên. Do đó, ông kêu gọi ở giai đoạn đầu, các bên cần phải chấm dứt các hành động giao tranh gây thương vong, đồng thời cùng đàm phán để đạt được sự đồng thuận và cân bằng lợi ích của các bên, dựa trên các đề xuất của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết nước này kêu gọi các lực lượng nước ngoài không can thiệp vào cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh và ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia. Ông O'Brien cũng cho biết thêm trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, ông đã nói rằng Armenia và Azerbaijan cần phải thực hiện mọi trách nhiệm trong thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được. Theo ông, giải pháp quân sự không thể giúp giải quyết tranh chấp tại Nagorny-Karabakh, do vậy, Mỹ kêu gọi các bên liên quan đàm phán dưới sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc OSCE. 

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các bên trung gian quốc tế đang nỗ lực hòa giải các bên xung đột tại khu vực này. Đến nay, 3 thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được vào các ngày 10/10, 17/10 và 25/10, tuy nhiên các bên xung đột đều cáo buộc nhau vi phạm ngay sau khi các thỏa thuận này có hiệu lực.

Trần Quyên (TTXVN)