03:11 30/03/2022

Xung đột Nga-Ukraine mở ra mặt trận mới trong bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã mở ra mặt trận mới trong bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 của Mỹ.

Theo kênh CNN, những tác động toàn cầu của cuộc chiến ở châu Âu đã buộc các ứng cử viên ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phải điều chiến lược vận động trong bầu cử giữa kỳ sắp tới. Trọng tâm luôn là vấn đề liên quan Ukraine.

Đảng Dân chủ nhìn thấy cơ hội mới

Thượng nghị sĩ bang Connecticut, ông Chris Murphy, một trong những tiếng nói chính sách đối ngoại hàng đầu của đảng Dân chủ, cho rằng hành động của Tổng thống Joe Biden liên quan cuộc chiến ở Ukraine từ đầu cho đến nay đã minh chứng cho cam kết vận động tranh cử năm 2020 là quản lý khéo léo các cuộc khủng hoảng quốc tế .

Chú thích ảnh
Các thành viên của tổ chức United Help Ukraine và các nhà hoạt động tổ chức mít tinh bên ngoài Nhà Trắng vào ngày 20/3 tại Washington, DC. Ảnh: Getty Images

Ông Murphy nhận định thách thức trong tương lai đối với ông Biden và đảng Dân chủ là sẽ truyền đạt thông điệp rõ ràng và nhất quán tới cử tri về mối liên hệ giữa cuộc chiến ở Ukraine và tác động kinh tế ở Mỹ. Ông nói: “Điều quan trọng là Tổng thống phải tiếp tục giải thích rằng giá xăng sẽ còn cao chừng nào xung đột này còn tiếp diễn”.

Ông Murphy cũng nhắm mục tiêu vào 31 thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã bỏ phiếu chống gói chi tiêu 1,5 nghìn tỷ USD, trong đó có khoản gần 14 tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Ông nói: “Chúng ta cần chỉ ra sự bất nhất giữa nói và làm của thành viên đảng Cộng hòa”.

Thượng nghị sĩ Nebraska, ông Ben Sasse, một trong những đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống lại dự luật, đã ca ngợi chính quyền của ông Biden trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên MSNBC về việc xây dựng chế độ trừng phạt Nga. Nhưng trong một bài phát biểu tại Thượng viện vào tuần trước, ông cho rằng việc gắn các khoản tiền viện trợ dành cho Ukraine vào dự luật lớn hơn là kế sách chính trị của đảng Dân chủ.

Hiện chưa rõ việc Tổng thống Biden đổ lỗi cho Nga khiến giá xăng ở Mỹ tăng có thuyết phục được cử tri hay không. Nhưng nhiều cuộc thăm dò ý kiến ​​cho đến nay đã cho thấy một điều hoàn toàn rõ ràng: Người Mỹ thuộc cả hai đảng đều ủng hộ biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.

Trong nhiều cuộc thăm dò, đa số cử tri Mỹ cũng cho biết họ sẵn sàng chịu cảnh giá xăng cao hơn do lệnh cấm vận. Nhưng ngay cả khi cử tri ủng hộ các hành động của Tổng thống Biden trong vấn đề Ukraine thì tỷ lệ ủng hộ ông vẫn chưa tăng.

Trong một cuộc thăm dò gần đây của Monmouth, 77% thành viên Dân chủ đánh giá tích cực cách ông Biden xử lý khủng hoảng Ukraine và chỉ 18% thành viên Cộng hòa ủng hộ. Tỷ lệ chênh lệch này là do lòng trung thành đảng phái của hai bên.

Tranh cãi trong nội bộ đảng Cộng hòa

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng đã khơi dậy cuộc tranh luận trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đều chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga và kêu gọi chiến lược mạnh hơn để đối phó với Nga. Nhưng một số nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump không hào hứng với điều này và lo ngại Mỹ can dự sâu hơn vào Ukraine.

Mẫu thuẫn thể hiện qua dòng tweet qua lại giữa các nghị sĩ Cộng hòa là Marjorie Taylor Greene, người đổ lỗi cho cả Nga và Ukraine gây ra cuộc chiến, và hạ nghị sĩ Liz Cheney.

Ở Bắc Carolina, các đảng viên Cộng hòa đang tìm người đề cử của đảng để thay thế thượng nghị sĩ đã nghỉ hưu Richard Burr. Trong cuộc đua giành chiếc ghế này, cựu Thống đốc Pat McCrory đã tung ra một quảng cáo vào đầu tháng, chỉ trích hạ nghị sĩ Ted Budd (ứng cử viên mà ông Trump ủng hộ) vì ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông McCrory nói: “Đây là những thời điểm nghiêm trọng và chúng ta cần những thượng nghị sĩ nghiêm túc. Tôi không khen ngợi kẻ thù của chúng ta”.

Tranh cãi giữa các thành viên đảng Cộng hòa khiến các ứng cử viên đảng này phải lựa chọn giữa việc chỉ trích nhà lãnh đạo Nga và việc tiếp tục sát cánh cùng ông Trump – người ca ngợi Tổng thống Putin trước và trong cuộc chiến ở Ukraine.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã tìm cách giảm bớt căng thẳng nội bộ đảng. Ông nói rằng đa số đảng Cộng hòa hiển nhiên là ủng hộ người Ukraine và thúc giục Tổng thống Biden hành động nhanh hơn, táo bạo hơn.

Tranh cãi về trình khí hậu của Tổng thống Biden

Một số thành viên đảng Dân chủ cũng đang coi cuộc khủng hoảng ở Ukraine là thời điểm cho người dân Mỹ thấy tầm quan trọng của chính sách năng lượng và các tác động an ninh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 28/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số người từ lâu đã cho rằng Mỹ quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Trung Đông và phụ thuộc một phần vào dầu của Nga. Tình trạng phụ thuộc này là hiểm họa môi trường.

Những gì mà ông Biden cam kết về nghị trình khí hậu khi tranh cử tổng thống năm 2020 đang tạo ra cơ hội cho các thành viên đảng Dân chủ tham gia bầu cử giữa kỳ sắp tới. Kết quả thăm dò cho thấy cả hai đảng đều ủng hộ chính phủ Mỹ đầu tư sản xuất năng lượng sạch ở Mỹ.

Tại một cuộc họp báo tuần trước, các nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi chi tiêu cho năng lượng sạch để không phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch nước ngoài và tránh lo ngại về an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các đảng viên đảng Cộng hòa cho rằng cuộc bàn luận về năng lượng sạch đang bỏ qua áp lực kinh tế do giá xăng tăng gây ra.

Bà Rebecca Kleefisch, cựu Thống đốc Wisconsin của đảng Cộng hòa và là đối thủ của Thống đốc đương nhiệm Tony Evers thuộc đảng Dân chủ trong bầu cử giữa kỳ năm nay, cho rằng phe Dân chủ không quan tâm tới việc người Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng khi giá cả mọi thứ leo thang. Thay vào đó, họ lại tranh cãi về những thay đổi rộng rãi, lâu dài đối với năng lượng của Mỹ. Bà Kleefisch nói: “Họ quá xa rời người dân bình thường… Người dân còn không thể mua nổi xăng và hàng hóa. Họ chỉ muốn có thể trang trải cuộc sống và việc này thực sự khó khăn trong ba năm qua”.

Thùy Dương/Báo Tin tức