09:07 09/09/2014

Xung đột Israel và Palestine - cuộc chiến chưa hồi kết

Trung Đông, “rốn dầu” của thế giới, từ lâu đã được coi là một “chảo lửa” bởi nơi đây đã trải qua bao thập niên chiến tranh xung đột triền miên với những mâu thuẫn chồng chất khó hòa giải. Tuy nhiên, thực chất và cốt lõi nhất trong vấn đề hòa bình ở Trung Đông vẫn là mối quan hệ giữa Israel và Palestine.

Cách đây 21 năm, ngày 9/9/1993, Thủ tướng Yitzhak Rabin, thay mặt cho Israel chính thức công nhận PLO là tổ chức đại diện hợp pháp cho người Palestine, mở đường cho hai bên đi đến ký kết Hiệp định hòa bình Oslo vào bốn ngày sau đó. Song trên thực tế, Hiệp định hòa bình Oslo chỉ tồn tại trên giấy tờ. Xung đột giữa Israel và Palestine vẫn luôn là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Mảnh đất Trung Đông, “rốn dầu” của thế giới, từ lâu đã được coi là một “chảo lửa” bởi nơi đây đã trải qua bao thập niên chiến tranh xung đột triền miên với những mâu thuẫn chồng chất khó hòa giải. Tuy nhiên, thực chất và cốt lõi nhất trong vấn đề hòa bình ở Trung Đông vẫn là mối quan hệ giữa Israel và Palestine.

Chủ tịch PLO Yasser Arafat (phải) và Thủ tướng Israel Yizhak Rabin đã ký Hiệp định Oslo, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton.


Nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột xuyên thế kỷ này là do sự bất bình đẳng của các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ), cũng như sự thiên vị của một số nước phương Tây đối với Israel. Ngày 29/11/1947, LHQ thông qua Nghị quyết xóa bỏ quyền ủy trị của Anh ở Palestine và chia cắt vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập, của người Arập (đó là Nhà nước Palestine) và người Do Thái.

Trong khi thực tế, lịch sử vùng đất này thuộc về người Arập, người Do Thái chỉ bắt đầu “hồi hương” về Palestine từ năm 1917 theo kế hoạch của Anh khi đó nắm quyền ủy trị Palestine. Vào thời điểm đó đã có nghị quyết của LHQ chia đôi vùng đất Palestine thành hai quốc gia độc lập.

Người Do Thái trở về vùng đất Palestine đã tăng đáng kể, từ 100.000 người (năm 1914) lên tới 600.000 người, trong khi đó người Arập ở vùng đất này trong lịch sử chiếm tới khoảng 1,3 triệu người. Đây chính là điểm mấu chốt khiến người Palestine, kể cả một số nước Arập khác khó có thể chấp nhận được điều này, bởi theo họ, người Do Thái tuy mới di cư đến vùng đất này nhưng lại được ưu ái chia cho một phần đất gấp đôi (dựa theo mật độ dân số).

Để phản đối và không công nhận nghị quyết của LHQ quốc năm 1947, người Arập ở vùng đất Palestine và cả các nước Arập khác trong khu vực Trung Đông đã tiến hành 6 cuộc chiến tranh Trung Đông kể từ thời điểm đó, cùng với hàng chục cuộc đụng độ, xung đột quy mô vừa và nhỏ, trong đó Israel thường là đối tượng để các lực lượng nổi dậy công kích và tấn công.

Nhưng qua mỗi lần bùng nổ chiến tranh thì Israel (với sự trợ giúp của Mỹ và phương Tây) ngày càng lấn tới và mở rộng thêm vùng kiểm soát như Bờ Tây, dải Gaza, Đông Jerusalem và coi Jerusalem là "thủ đô" của Israel...

Khói bốc lên ở thành phố Gaza sau cuộc tấn công của Israel ngày 9/1/2009. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong quá trình đấu tranh để giành lại vùng đất tổ tiên, người Palestine đã thành lập ra nhiều tổ chức, phong trào giải phóng Palestine như: Phong trào Giải phóng quốc gia - FATAH (thành lập năm 1959), Tổ chức Giải phóng Palestine - PLO (thành lập năm 1964), Tổ chức Jihad Hồi giáo (thành lập thập niên 1980), Phong trào Hamas (thành lập năm 1987)... Mặc dù có những tư tưởng và phương thức đấu tranh khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng của các tổ chức này đều là giải phóng Palestine, thành lập nhà nước Palestine độc lập.

Trong các tổ chức này, PLO có hình thức đấu tranh bất bạo động, dưới sự lãnh đạo bền bỉ của chủ tịch Yasser Arafat đã khiến cả thế giới phải quan tâm đến vấn đề Palestine. Năm 1974, LHQ cuối cùng cũng phải công nhận PLO như là một tổ chức đại diện hợp pháp cho người Palestine.

Trong nỗ lực mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông, ngày 9/9/1993, thủ tướng Israel Yitzhak Rabin đã chính thức công nhận PLO là đại diện hợp pháp của người Palestine, đồng thời khẳng định chính phủ nước này sẽ đàm phán trực tiếp với PLO trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Cũng trong ngày này, chủ tịch PLO Yasser Arafat cũng chính thức công nhận Israel.

Một căn nhà bị phá hủy sau vụ oanh tạc của máy bay Israel ở Rafah, thị trấn biên giới giữa Ai Cập và Dải Gaza. Ảnh: AFP/ TTXVN


Bốn ngày sau đó, ngày 13/9/1993, tại Washington (Mỹ), Chủ tịch PLO Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yizhak Rabin đã ký Hiệp định Oslo, trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Theo hiệp định, phía Palestine đồng ý công nhận Israel, đổi lại, phía nhà nước Do Thái phải bắt đầu tiến hành rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây và Dải Gaza trong vòng 5 năm để tạo điều kiện cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập. Vào thời điểm đó, hiệp định này được coi là một bước đột phá tích cực trong tiến trình hòa bình Trung Đông.

Thế nhưng sau đó, sự thay đổi các nhà lãnh đạo trong bộ máy chính quyền của Israel và của Mỹ đã khiến quá trình thảo luận tiếp theo về hòa bình Trung Đông bị đổ vỡ. Thủ tướng Israel Ariel Sharon (lên nắm quyền từ năm 2001) đã đơn phương bác bỏ tất cả những thỏa thuận mà chính quyền Israel trước đó đã cam kết, ra lệnh phong tỏa khu bờ Tây sông Jordan và dải Gaza, tiếp tục mở rộng khu định cư Do thái, tuyên bố Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel.

Người Palestine rời khỏi tòa nhà bị phá hủy sau vụ oanh tạc của Israel ở Rafah. Ảnh: THX/ TTXVN


Người ta cho rằng, chính thái độ thờ ơ của chính quyền Mỹ Geogre W.Bush khi đó, mà thực chất là dung túng cho Israel, đã được Israel tận dụng triệt để, đẩy mạnh các hoạt động bạo lực chống người Palestine. Kể từ đó, tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine luôn lâm vào bế tắc.

Thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2014, “chảo lửa” Trung Đông lại đang bị “đốt nóng” bằng những cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế, cho đến nay, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine vẫn không ngừng đẩy mạnh các cuộc tấn công tại Dải Gaza.

Một tín hiệu vừa lóe sáng là ngày 26/8/2014 vừa qua, Israel và Palestine đã cùng đạt được nhất trí về một lệnh ngừng bắn “vô thời hạn” tại dải Gaza, có hiệu lực từ 16h giờ GMT ngày 26/8 (tức 23 giờ theo giờ Việt Nam).

Các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas thuộc Palestine là một bước đi lớn giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 7 tuần qua. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định thỏa thuận này sẽ được các bên tôn trọng và thực thi, bởi người dân tại Dải Gaza đã quá quen với việc rất nhiều hiệp định, thỏa thuận được ký kết nhưng lại nhanh chóng bị phá vỡ khi nó còn chưa kịp ráo mực.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN