12:23 23/12/2015

Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ - Bài 1

Cùng với những đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm qua, Đồn Biên phòng Huổi Luông - Bộ đội Biên phòng Lai Châu đã triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi xuống các hộ dân giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với tinh thần tương thân, tương ái cán bộ, chiến sĩ còn giúp nhau xây dựng mái ấm chiến sĩ để đồng đội có hoàn cảnh khó khăn được an cư để yên tâm công tác.

Đồn Biên phòng Huổi Luông quản lý địa bàn xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu), với 4 dân tộc sinh sống; dân số trên 1.250 hộ. Là xã nằm ở khu vực biên giới khó khăn, nên đời sống người dân nghèo khó, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn nhiều hủ tục lạc hâu; tỷ lệ hộ nghèo 21,53%... Nhận thấy những khó khăn trên, thời gian qua, Đồn Huổi Luông đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn một số mô hình để tổ chức triển khai có hiệu quả, đặc biệt là mô hình trồng chuối xuất khẩu.

Bộ đội biên phòng Huổi Luông giúp người dân phát triển kinh tế.

Triển khai từ năm 2010, Đồn Huổi Luông đã phối hợp với chính quyền xã vận động một số hộ gia đình trồng thí điểm 7 ha chuối. Sau nửa năm, chuối đã cho thu hoạch, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho người dân. Nhận thấy cây chuối dễ trồng, lại cho thu nhập cao nên nhiều hộ nghèo trong xã đã chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng chuối. Đến nay, diện tích trồng chuối của xã Huổi Luông đã lên đến khoảng 620 ha, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm…

Gia đình anh Giàng A Dụ, ở bản Pô Tô, là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình trồng chuối cho biết: “Tôi đã chuyển đổi 4 ha diện tích lúa chỉ trồng được một vụ và diện tích ngô năng suất thấp sang trồng chuối, theo sự hướng dẫn về kỹ thuật và chọn giống của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Với giá bán hiện nay là 10.000 đồng/kg chuối, bình quân mỗi năm cũng cho thu nhập ngót nửa tỷ đồng. Gia đình tôi đã thoát nghèo từ hơn 3 năm nay".

Nhiều hộ đồng bào ở Huổi Luông đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng chuối.

Đại úy Nguyễn Tiến Đoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông chia sẻ: “Ngoài mô hình trồng chuối, năm 2013, Đồn Huổi Luông đã phối hợp với chính quyền lựa chọn 90 hộ nghèo tại 10 bản trong xã để thực hiện mô hình chăn nuôi lợn sinh sản. Ban đầu, cũng gặp nhiều khó khăn, do con giống chưa thích nghi với điều kiện khí hậu, nguồn thức ăn, phương thức chăn nuôi của đồng bào còn lạc hậu. Đến nay, các mô hình trên đã đem lại hiệu quả, tạo thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 21,53% (mỗi năm giảm trung bình 5%).

Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đồn Huổi Luông còn vận động đồng bào tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Trên cơ sở đó đồn đã thành lập được 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc, với 94 hộ gia đình tham gia; 23 tổ tự quản an ninh trật tự với gần 600 hộ gia đình tham gia… Các tổ tự quản tại các bản đã phát huy tốt vai trò và trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự thôn bản. Tiêu biểu trong phong trào tự quản là hoạt động của Tổ Tự quản đường biên cột mốc bản Na Sa Phìn. Trong 5 năm qua đã thường xuyên thông báo cho đồn các vụ việc vượt biên trái phép, vận chuyển hàng hóa cấm qua khu vực biên giới góp phần giữ vững an ninh trật tự chủ quyền quốc gia…

Bài cuối: Đâu khó có đồng đội
Bài và ảnh: Minh Phúc