11:20 04/11/2019

Xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)

Ngày 4/11, tại thành phố Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2019.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch, đưa ra những giải pháp hỗ trợ lẫn nhau, tạo liên kết để phát triển du lịch giữa các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thời gian tới.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Phúc Hà cho biết: Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch biên giới với những điểm di tích nổi tiếng như: Hồ Ba Bể; Suối Lê Nin; hang Pắc Bó; động Nhị - Tam Thanh; núi Tô Thị; Tân Trào… Thời gian qua, các tỉnh đã có sự kết nối về văn hóa du lịch qua Chương trình “Qua miền di sản Việt Bắc” được tổ chức thường niên luân phiên nhằm liên kết, tạo điểm đến của Việt Bắc; tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động liên tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã có những bước đi giúp tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Lạng Sơn nói riêng và các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) nói chung với khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Qua đó, đã có những thành quả nhất định như: Tổ chức các tour du lịch, hợp tác quảng bá thị trường du lịch, hợp tác bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch…

“Để du lịch Việt Bắc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh, cần thiết xây dựng chương trình hành động chung của các địa phương và tập trung vào các sản phẩm du lịch đặc trưng của 6 tỉnh”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà đề xuất.

Nói về việc phát triển du lịch bền vững gắn với Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, Trương Thế Vinh cho biết: Cao Bằng đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với tổng cộng 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh. Tuy nhiên nội dung xây dựng Công viên địa chất là một nhiệm vụ mới nên Cao Bằng chưa có nhiều kinh nghiệm để đảm bảo xây dựng phát triển theo các tiêu chí định hướng của UNESCO. Do đó, cần có sự tư vấn của các chuyên gia để hỗ trợ, giúp đỡ; cùng với đó là có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch, cơ chế chính sách riêng, đặc thù cho phát triển du lịch tại các tỉnh biên giới tiếp giáp Trung Quốc.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh Hội nghị. 

Theo ý kiến của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, Nguyễn Hồng Hải, để có những hợp tác sâu rộng về lĩnh vực du lịch, văn hóa giữa các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cần xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể như hội đàm định kỳ hoặc không định kỳ để thảo luận, tháo gỡ kịp thời khó khăn; thực hiện các kết nối website du lịch để trao đổi thông tin lẫn nhau; hợp tác về quản lý thị trường du lịch…

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa thêm những giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch có thế mạnh của mỗi địa phương; tổ chức các chương trình khảo sát sản phẩm du lịch và tham gia các hội chợ du lịch; tích cực giao lưu lễ hội văn hóa; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các công ty lữ hành hoạt động và có sự giám sát…

Phó Chủ tịch Chính hiệp thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) Lương Siêu Quân cho biết: Địa phương sẽ tích cực cùng với các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) thúc đẩy du lịch, hợp tác, giao lưu du lịch tuân thủ theo nguyên tắc, chỉ đạo của Chính phủ hai nước nêu ra về du lịch.

Cho rằng Việt Bắc là vùng có tiềm năng du lịch nổi trội đặc biệt, có điều kiện để đầu tư phát triển các loại hình du lịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ngô Hoài Chung nhấn mạnh: Với điều kiện, tiềm năng đó, các cấp chính quyền địa phương trong vùng Việt Bắc cần nhận thức rõ vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; các điều kiện hỗ trợ phát triển du lịch như: Giao thông, viễn thông, điện lưới… cũng cần được quan tâm. Cùng với đó, là tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp lữ hành. Các địa phương phải chọn điểm nhấn du lịch để tập chung nguồn lực, đồng thời quyết liệt hơn trong việc mời gọi đầu tư cũng như xây dựng các hình thức du lịch đặc thù; quảng bá du lịch giữa các tỉnh Việt Bắc (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Nguyễn Quang Duy (TTXVN)