10:23 23/10/2011

Xúc động chương trình “Sáng mãi Đường Hồ Chí Minh trên biển”

Tối 23/10, chương trình giao lưu: “Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển” do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, diễn ra xúc động tại 3 điểm cầu: bến K15 Đồ Sơn - nơi xuất phát của những con tàu không số là điểm cầu chính.

Tối 23/10, chương trình giao lưu: “Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển” do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, diễn ra xúc động tại 3 điểm cầu: bến K15 Đồ Sơn - nơi xuất phát của những con tàu không số là điểm cầu chính. Hai điểm cầu còn lại là Lữ đoàn 125, cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh và tượng đài kỷ niệm tàu không số tại Vàm Lũng, thị trấn Rạch Gốc, Ngọc Hiển, Cà Mau.

Các đại biểu tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh xúc động được gặp mẹ Nguyễn Thị Mười (bên trái), mẹ của một cựu thủy thủ tàu không số, ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), đã từng cho con 10 cây vàng để đóng tàu vượt biển ra Bắc xin vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Buổi giao lưu đã tái hiện lại 10 năm chiến đấu, gan dạ, anh dũng của những người tham gia trên tuyến đường huyền thoại thông qua giao lưu với những nhân chứng lịch sử, những thước phim tái hiện lại các chặng đường hào hùng.

Phần đầu tiên tái hiện những ngày Bộ Chính trị quyết định thành lập Đoàn 759 để chi viện vũ khí cho miền Nam thông qua đường biển. Các hoạt cảnh đã thể hiện ý chí và quyết tâm các chiến sĩ tham gia trên những chuyến tàu này, quyết thà hi sinh tính mạng chứ không để vũ khí rơi vào tay giặc, để lộ tuyến hành trình. Khán giả bất ngờ, xúc động khi chạm vào các kỷ vật liên quan đến tàu không số, biết ám hiệu của những thủy thủ khi đến bến thông qua lời kể của các nhân chứng như bác Trần Phong, người viết lại tên tuổi, hành trình của 168 chuyến tàu không số trong suốt 10 năm; Bác Ngô Văn Tân, thợ máy của tàu Phương Đông 1 với hành trình của chuyến tàu đầu tiên đi trong thời tiết bão gió và bị hỏng máy giữa chừng. Nhưng tất cả đều quyết tâm phải sửa được tàu và tiếp tục hành trình. Khi tàu đến Vàm Lũng, được anh em trong bến ra đón, thủy thủ đoàn tàu Phương Đông 1 vui mừng vì tàu cập bến thành công; Hay câu chuyện nhận ám hiệu khi cập bến bằng đèn pin, biết bến động qua bài hát “Giải phóng Điện Biên”, biết bến yên qua bài hát “Tiểu đoàn 307” thông qua lời kể của bác Tân, bác Phong và Đại tá Khưu Ngọc Bẩy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962.

Tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, các cựu chiến binh ôn lại những kỷ niệm khi vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên những con tàu không số. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Sau những chuyến đi đầu tiên, việc vận chuyển trên tàu càng ngày càng gian nan, vất vả. Bác Hồ Kiêm, người tham gia chuyến tàu 56 vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, nhớ lại thời điểm ngàn cân treo sợi tóc khi tàu chuẩn bị vào bến Lộ Giao, Bình Định. Tàu chuyển hướng cách bến 15 hải lý thì gặp tàu địch. Chi bộ trên tàu nhận định, nếu tiếp tục tiến vào, tàu ta sẽ bị địch bắt sống. Thủy thủ đoàn quay ra phía biển. Chỉ 15 phút sau, 17 tàu khu trục mỹ bao vây tàu 56. Chúng bắt ta dừng máy để kiểm tra tàu nhưng tàu ta vẫn phớt lờ và tiếp tục di chuyển. Anh em trên tàu đều nung nấu ý chí, thà hi sinh chứ nhất định không để tàu rơi vào tay giặc. Bác Huỳnh Lúa, người 18 lần trên tàu không sôsố đã kể lại sự gan dạ của các chiến sĩ khi tham gia trên tàu không số. Bác cho biết, khi lái tàu sắt, thủy thủ đoàn không phải đối mặt trực tiếp với kẻ thù, nhưng khi lái tàu 2 đáy, các chiến sĩ trên tàu không số luôn phải chuẩn bị các tình huống để đối phó với giặc. Đã có lần, chuyến tàu bác đi bị lục soát nghiêm trọng nhưng tất cả anh em trên tàu đều bình tĩnh để đối phó với địch.

Còn nhiều câu chuyện xúc động khác như bác Hoàng Văn Quý sau khi tham gia trên những đoàn tàu không số trở về nhìn thấy ảnh mình trên bàn thờ. Y sĩ Nguyễn Hoàng Hùng vẫn còn lưu giữ lại những dụng cụ y tế của một thời chữa bệnh cho các chiến sĩ Đường Hồ Chí Minh trên biển, nhớ lại những thiếu thốn về thuốc men, về dụng cụ, đến mức anh em phải giặt lại băng gạc để dùng. Bác Lê Xuân Khảm đã kể lại nỗi hoảng sợ trở thành niềm vui và hạnh phúc khi tàu lạc bến. Năm 1969, ông cùng đồng đội chở vũ khí vào Vàm Lũng, Cà Mau nhưng do lạc đường nên cập vào ấp Vinh Hoa, Đầm Rơi, Cà Mau. Lúc đó trời đã sáng. Người dân trong ấp nhìn chiếc tàu đầy sợ hãi rồi bà con nhận ra, đây là tàu của miền Bắc vào. Mọi người ùa ra chăm sóc các anh, ngụy trang cho tàu và tránh địch. Rồi chuyện người dân trong ấp nhường lại đất đai, những bữa cơm cho bộ đội, cho cách mạng. Bác Lê Xuân Khảm đã rất xúc động khi gặp lại “hoa hậu rừng Đước” là cô Út Lợi ở bến Vinh Hoa ngày nào ngay tại bến K15 hôm nay với những kỷ vật là chỉ thêu, khăn thêu do chiến sĩ tàu không số mang vào…

50 năm qua đi, những người tham gia Đường Hồ Chí Minh trên biển người còn, người mất nhưng những chiến công hào hùng của tuyến đường huyền thoại này không ai có thể quên. Đêm giao lưu khép lại nhưng những chiến công hào hùng của một thời vẫn luôn còn mãi trong lòng của những người tham gia trên tuyến đường này. Còn với thế hệ trẻ, đêm giao lưu đã giúp họ hiểu những điều làm nên kỳ tích độc đáo của con đường huyền thoại.
lTối 23/10, tại ngay bến tàu không số Lộc An (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Quảng Ngãi tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm

Sáng 23/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961- 23/10/ 2011).
Các đại biểu cùng nhau ôn lại những chiến công, thành tích của Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là những chiến công anh dũng của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” và các lực lượng làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ, tiếp nhận, vận chuyển vũ khí, hàng hóa từ “Đoàn tàu không số”. Tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều người tham gia “Đoàn tàu không số” và tham gia vận chuyển, bảo vệ đoàn tàu.

Tôn tạo Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn

Sáng 23/10, tại Cảng Gianh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, dưới sự chủ trì của Tỉnh đoàn Quảng Bình, tuổi trẻ Công an, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Đây là một trong những hoạt động thiết thực Kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011) của tuổi trẻ Quảng Bình.
Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch ghi danh Cảng Gianh, nơi cách đây 50 năm, chuyến tàu “không số” đầu tiên lên đường chở vũ khí, thuốc men vào chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt để từ đây khởi đầu cho cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta xây dựng nên tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho tàu không số 235

Sáng 23/10, tại bến tàu không số Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã long trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961- 23/10/2011) và dâng hương hoa lên bia tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ tàu không số 235 đã hi sinh tại vùng đất này. Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của hơn 30 cán bộ, thủy thủ tàu không số, đơn vị bến, những nhân chứng sống đến từ Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận… đã từng công tác, chiến đấu tại tỉnh Khánh Hòa. Nhân dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho Di tích tàu không số 235 tại xã Ninh Vân.

TTN