Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Liên minh chấu Âu (EU). Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), doanh nghiệp chỉ có thể thành công nếu tiếp cận một cách bài bản và có chiến lược dài hạn.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới nay, hoạt động giao dịch mua bán hàng trực tuyến tăng vọt trên thế giới và EU cũng không là ngoại lệ. Người dân EU không chỉ mua hàng và dịch vụ trực tuyến trong nước mà còn mua hàng từ nước thành viên EU khác cũng như từ một số nước ngoài lãnh thổ EU, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bởi thế, theo quy định mới của EU, từ ngày 1/7/2021, tất cả hàng hóa được đưa vào EU có nguồn gốc giao hàng từ nước thứ ba đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và phải khai báo hải quan.
Trong bối cảnh giao dịch trực tuyến ngày càng phát triển, quy định mới trên của EU ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng EU và các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) trên nền tảng trực tuyến, từ một nước thứ ba ngoài lãnh thổ EU.
Tuy nhiên đối với EU, quy định mới trên sẽ góp phần phát triển giao dịch thương mại điện tử theo hướng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử trong và ngoài EU.
Nhận định xung quanh vấn đề này, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng đầu tiên khi quy định này có hiệu lực. Bởi, lượng giao dịch xuyên biên giới trên trang web bán hàng của Trung Quốc nhắm đến thị trường EU tăng rất nhanh trong những năm gần đây và sau đó đến Hoa Kỳ, nhất là những giao dịch giá trị nhỏ.
Đối với Việt Nam, dù vẫn ở mức khởi đầu nhưng doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc xây dựng xuất khẩu trực tuyến sang thị trường EU. Đơn cử như việc 3 tấn vải thiều đầu tiên đã được nhập khẩu sang Đức qua Sàn thương mại điện tử Voso. Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) để từng bước phát triển ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo quy định của EU, các giao dịch mua bán hàng hóa trên nền tảng trực tuyến giữa Việt Nam và EU sắp tới dù vẫn phải trả thuế giá trị gia tăng, nhưng cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu nếu lô hàng giá trị dưới 150 Euro. Nhà cung ứng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hàng hóa của mình trước người tiêu dùng EU, theo các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của EU.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS (thủ tục nhập khẩu một cửa) của từng nước thành viên. Nếu nhà cung ứng thương mại điện tử không có trụ sở tại một nước EU, cần phải chỉ định một đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng.
Cũng theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, thuế giá trị gia tăng cho doanh số B2C được nhập khẩu vào EU sẽ được nộp qua tờ khai thuế hàng tháng ở nước thành viên EU được chỉ định. Sau đó, tờ khai và tiền thuế giá trị gia tăng sẽ được chuyển tới các cơ quan thuế tại quốc gia nơi nhận hàng ở EU. Do đó, các doanh nghiệp sẽ không còn phải đăng ký thuế giá trị gia tăng ở mọi quốc gia EU là nơi họ bán hàng.
Nếu sàn giao dịch không thực hiện đăng ký IOSS, các nhà cung ứng dịch vụ logistics như: bưu điện, chuyển phát của EU sẽ thu thuế và phí với dịch vụ mua hàng trực tuyến.
Cụ thể, thuế và phí gồm: thuế giá trị gia tăng và phí cho thủ tục khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu. Cho nên, bán hàng trực tuyến từ ngoài EU vào EU sẽ gặp nhiều khó khăn khi chi phí gia tăng khá nhiều.
Vì vậy, các chuyên gia thương mại khuyến nghị, các sàn giao dịch có cung ứng hàng đến châu Âu phải nhanh chóng đăng ký IOSS và chỉ định đối tác tại EU để thực hiện nghĩa vụ thuế nếu không người tiêu dùng EU có thể sẽ không mua hoặc không nhận hàng khi bị áp thuế và phí cao lúc nhận hàng. Ở một góc nhìn khác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và có một chiến lược dài hạn.
Thống kê cho thấy, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro, tăng 35% so với năm 2019 và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ Euro).
Dự báo năm 2022, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU sẽ đạt 220 tỷ euro, tức là tăng gấp đôi so với doanh số năm 2019 (108 tỷ Euro); trong đó thị trường Đức tăng 43% đạt 27 tỷ Euro, Pháp tăng 34% đạt 20 tỷ Euro, Tây Ban Nha tăng 30% đạt 10 tỷ Euro, Hà Lan tăng 26% đạt 4,4 tỷ Euro. Tại châu Âu, thị trường Anh là nước ngoài EU có mức tăng trưởng lớn nhất tăng tới 38% đạt 33 tỷ Euro.