06:23 02/06/2015

Xuất khẩu rau quả nhiều triển vọng

Được đánh giá nhiều tiềm năng, rau quả xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang được nhiều thị trường ưa chuộng.

Được đánh giá nhiều tiềm năng, rau quả xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang được nhiều thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên để tăng được kim ngạch và giá trị, các doanh nghiệp XK đang “đau đầu” với bài toán đảm bảo nghiêm ngặt những yêu cầu về an toàn vệ sinh của đối tác.

Xuất khẩu tăng

Số liệu của Bộ Công Thương trong 4 tháng đầu năm 2015, XK rau quả đã đạt khoảng 488 triệu USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2014. Rau quả Việt Nam đang có mặt ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc...; trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, thường chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch XK. Đặc biệt các tháng qua, nhiều thị trường cao cấp tăng mạnh mẽ như: Singapore tăng 300%, Hồng Kông tăng 230%, Hàn Quốc tăng 100%... cho thấy sức hút lớn của mặt hàng rau quả Việt.

Có tiềm năng nhưng rau quả Việt Nam vẫn đang chật vật với vấn đề an toàn vệ sinh dịch tễ.


“Nhu cầu tiêu thụ rau quả của các nước phát triển trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, đây là những thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp XK. Nguyên nhân XK rau quả đầy tiềm năng như thế là do nhu cầu tiêu thụ tăng cao ở nhiều thị trường mở cửa cho một số chủng loại trái cây mới của Việt Nam như nhãn, vải, chôm chôm, thanh long...”, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết.

Rau quả Việt Nam đang lạc quan có tiềm năng trở thành mặt hàng XK có giá trị cao khi nhiều sản phẩm đã được các thị trường khó tính cho phép nhập khẩu. Cụ thể New Zealand đã đồng ý thanh long và đang xem xét mở cửa cho xoài Việt Nam, Hàn Quốc tiếp tục cho phép nhập khẩu vú sữa, Australia nhập khẩu xoài, thanh long. Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu nhãn, vải, táo, xoài... Ngoài ra, bưởi da xanh Việt Nam cũng được nhiều bạn hàng để mắt tới khi mới đây đã XK thành công một lô hàng sang Đức và nhiều doanh nghiệp tại Séc,Hà Lan, Australia, Canada đã đặt hàng với số lượng cao.

“Nếu chúng ta làm tốt công tác nâng cao chất lượng sau thu hoạch, đóng gói bảo quản, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn toàn cầu Globalgap... XK rau quả còn đạt những thắng lợi to lớn hơn. Kết hợp cùng ngành nông nghiệp, Bộ Công Thương hiện đang giúp nhà nông, doanh nghiệp đẩy mạnh làm tốt công việc này”, bà Thảo nói thêm

Hướng đến chuẩn an toàn

Có nhiều tiềm năng và tương lai thị trường sáng sủa nhưng ngành rau quả Việt Nam đang đối mặt với thực trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng. Thực trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và là rào cản lớn nhất đối với XK rau quả, đặc biệt những loại rau quả tươi. Trong khi đó các vấn đề vệ sinh dịch tễ ngày càng được coi trọng và được sử dụng như một công cụ bảo hộ nền nông nghiệp của những nước nhập khẩu. Muốn đáp ứng nhu cầu và hướng đến tương lai XK bền vững hơn ngay từ lúc này cần nhanh chóng có giải pháp tổng thể tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ, XK theo hướng hiện đại, giảm quy mô nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, để kiểm soát tốt dịch bệnh từng bước đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường xuất khẩu trước hết phải “chuẩn” từ khâu tổ chức sản xuất, cũng như những giải pháp thâm canh khoa học. Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tập trung phối hợp với các địa phương cấp mã số vùng trồng, xây dựng các vùng trồng an toàn dịch bệnh nhằm sản xuất ra nhiều loại rau, hoa quả đáp ứng đủ tiêu chuẩn XK sang các thị trường khó tính.

“Tin vui là sau thời gian kết hợp với ngành nông nghiệp xứ mặt trời mọc, rau xanh Đà Lạt (Lâm Đồng) đã lên kế hoạch xuất khẩu vào Nhật Bản. Các loại rau xanh này được trồng theo công nghệ Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn trồng, chăm sóc và thu hoạch về sản xuất sạch của Nhật Bản và Globalgap. Chúng ta phải học hỏi cách làm này của nông dân tỉnh Lâm Đồng khi chủ động phối kết hợp, học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp của các quốc gia tiên tiến”, ông Hồng cho hay.

Theo các chuyên gia trong ngành, để vượt qua “cửa ải” an toàn vệ sinh của nhà nhập khẩu, ngành rau quả Việt Nam cần ưu tiên đầu tư công nghệ sơ chế bảo quản rau quả tươi với các quy mô khác nhau, đặc biệt chú trọng quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra cũng cần kết hợp công nghệ bảo quản truyền thống với tiên tiến, hiện đại trong điều kiện của Việt Nam, hình thành hệ thống các xưởng sơ chế đóng gói ngay tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đồng thời, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật bảo quản rau quả, như sấy chân không, nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến thủ công quy mô nhỏ theo hướng công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp... Chỉ cần áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn Globalgap, rau quả Việt Nam tự tin có khả năng vươn xa không chỉ 2 tỉ USD/năm.


Lê Nghĩa