12:09 22/12/2018

Xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt mức kỷ lục mới, hơn 40 tỷ USD

Xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt mức kỷ lục, "bất chấp" áp lực cạnh tranh thị trường và sự giảm sút một số mặt hàng cây công nghiệp trên toàn thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu; sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là tiêu, đường…

Chú thích ảnh
Xuất khẩu nông sản đạt lỷ lục mới. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên các khó khăn; kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù có áp lực lớn từ sự cạnh tranh thị trường và sự giảm sút về giá thị trường thế giới của nhiều mặt hàng cây công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên khá mạnh mẽ, ước tính cả năm sẽ đạt  40 tỷ USD.

Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới). 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có một số nét nổi bật trong xuất khẩu năm nay. Đó là thị phần xuất khẩu đều duy trì, củng cố và mở rộng. 5 thị trường XK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.

Cùng với đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng. Trong các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam, có một số mặt hàng phải chịu áp lực giảm giá mạnh trong năm 2018, tuy nhiên cũng có những mặt hàng có sự tăng giá trên thị trường thế giới, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản.

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, khối lượng gạo XK 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn, giá trị 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, cá tra đạt trên 2 tỷ USD tăng 27,4%.

Điều đáng tự hào, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đó là việc Việt Nam đã "toả sáng" dù trong bối cảnh chịu ảnh hưởng những khó khăn của thị trường nông sản thế giới trong năm 2018.

Thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh, trong khi nhu cầu thế giới giảm hoặc tăng trưởng chậm.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê tăng 21,3% về lượng nhưng chỉ tăng 0,9% về giá trị do giá cà phê xuất khẩu chỉ đạt 1.901 USD/tấn, giảm 16,2% so với năm 2017;  tương tự, các mặt hàng cao su tăng 13,4% về lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị; hạt tiêu tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 33,4% về giá trị; hạt điều tăng 3,39% về lượng nhưng giảm 3,47% về giá trị so với năm 2017.

Chú thích ảnh

Cà phê là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng năm thu về hàng tỷ USD thông qua việc xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Ảnh: Vũ Sinh, Hoàng Hùng - TTXVN

Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực (cà phê, điều và cao su mặc dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng xuất khẩu nên Việt Nam vẫn duy trì được giá trị xuất khẩu ở mức cao (xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỷ USD; xuất khẩu điều đạt 2,25 tỷ USD; cao su đạt 1,87 tỷ USD). 

Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu:  Thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lí và siết chặt thương mại biên giới.

Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.

Thị trường Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục chương trình Thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này.

"Với những giải pháp phù hợp, xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2018 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như đã nói ở trên, song vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh và đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn", đại diện Bộ NN &PTNT khẳng định.

H.V/Báo Tin tức