12:23 28/12/2011

Xuất khẩu năm 2011: Tăng trưởng ngoạn mục

Năm 2011 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu của Việt Nam, thế nhưng với nhiều nỗ lực vượt khó vươn lên của các ngành, nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) quan trọng không những giữ vững được chỉ tiêu, mà còn tăng trưởng vượt mức đề ra...

Năm 2011 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu của Việt Nam, thế nhưng với nhiều nỗ lực vượt khó vươn lên của các ngành, nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) quan trọng không những giữ vững được chỉ tiêu, mà còn tăng trưởng vượt mức đề ra như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, dầu thô… đưa kim ngạch XK cả nước ước đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010 và là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.

Nhiều mặt hàng vượt chỉ tiêu XK

Theo báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong năm 2011, XK nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt kim ngạch gần 25 tỷ USD, tăng 29% (tăng khoảng 5 tỷ USD) so với năm 2010. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 9,2 tỷ USD, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ nhập siêu cho cả nước. Có 4 mặt hàng đã đạt kim ngạch XK hơn 3 tỷ USD gồm: Thủy sản, gạo, đồ gỗ và cao su. Ngoài ra các mặt hàng nông sản khác cũng đều tăng cao như cà phê XK đạt 2 tỷ USD, hạt điều đạt 1 tỷ USD...

Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh tại Nhà máy Chế biến thủy sản tại thành phố Phan Rang ( Ninh Thuận ). Ảnh : Danh Lam – TTXVN

Các mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng này, ước đạt 13,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,2%; thủy sản ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ; lâm sản ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ. Sự tăng trưởng vượt bậc về giá trị XK phần lớn là do xu hướng tăng giá của các mặt hàng nông lâm thủy sản trên thế giới mặc dù khối lượng XK của hầu hết các mặt hàng đều giảm nhẹ so với năm trước.

Gạo vẫn là một mặt hàng chủ đạo, chiếm giá trị XK lớn trong tổng giá trị XK nông sản của nước ta. Lượng gạo XK cả năm 2011 ước đạt 7,2 triệu tấn, với kim ngạch 3,7 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 4,4% về lượng và 14% về giá trị.

Cùng với xu hướng tăng giá chung của các mặt hàng nông sản, mặt hàng cà phê được đánh giá là mặt hàng tăng trưởng ấn tượng về giá trị. Mặc dù khối lượng cà phê XK hầu như không tăng nhưng giá trị XK vẫn đạt được sự tăng trưởng kỷ lục. Khối lượng XK năm 2011 chỉ đạt 1,2 triệu tấn và giá trị là 2,7 tỷ USD, xấp xỉ về lượng nhưng tăng tới 45,4% về giá trị so với năm ngoái.

Thủy sản cũng góp phần vào thành công chung của XK nông, lâm, thủy sản. Ước giá trị kim ngạch XK thủy sản tháng 12 đạt 550 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch XK thủy sản 12 tháng lên 6,1 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn vẫn là Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm 1/3 giá trị XK thủy sản. Mặt hàng chiếm ưu thế lớn nhất vẫn là tôm sau đó là cá tra…

Bộ Công Thương cũng cho biết, nhiều mặt hàng chủ lực của ngành này cũng tiến tới đích với các kết quả khả quan. Quy mô và tốc độ tăng trưởng XK hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Mặc dù trong năm, XK gặp nhiều khó khăn về thị trường và các rào cản thương mại, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng XK chủ lực đã đạt kim ngạch XK cao.

Theo số liệu thống kê, XK dầu thô của Việt Nam tháng 11/2011 đạt 781,6 ngàn tấn với kim ngạch 695 triệu USD, tăng 49,2% về trị giá so với cùng tháng năm ngoái, nâng tổng lượng dầu thô XK của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2011 đạt 7,7 triệu tấn với kim ngạch 6,8 tỉ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 51,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 7,7% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước 11 tháng đầu năm 2011.

Đối với mặt hàng cao su, XK cả năm 2011 ước đạt 846 ngàn tấn, với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng tới 37,5% về giá trị. Giá cao su đang có xu hướng giảm nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng tới 38,2%. XK cao su sang các thị trường lớn tăng trưởng ổn định, ngoại trừ Hàn Quốc (giảm 2,5%) và Nga (giảm 27,7%).

Đặc biệt, mặt hàng mới là điện thoại di động lần đầu tiên đạt 7,5 tỷ USD, tăng trưởng 257% và vươn lên vị trí thứ 2 về XK, chỉ sau dệt may. So với năm 2010, chúng ta có thêm 2 mặt hàng mới có kim ngạch trên 1 tỷ USD là mặt hàng túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm sắt thép, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 22 mặt hàng.

Có thể khẳng định, mặc dù trong năm 2011 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng XK tăng khá như thủy sản, hạt tiêu, hàng dệt và may mặc, da giày, điện tử và linh kiện... kim ngạch XK nhiều mặt hàng mới như điện thoại di động, máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm từ sắn... đã tăng mạnh, điều này đã khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng XK mới từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng XK của nền kinh tế ngày càng được mở rộng.

Khó khăn và thách thức

Năm 2012 được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn cho XK hàng hóa của các DN Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc phân tích và đánh giá đúng các điều kiện thuận lợi cũng như có thêm sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc đầu tư vốn, khai thác các thị trường mới sẽ tạo điều kiện rất lớn cho XK tiếp tục tăng trưởng.

Theo Bộ Công Thương, ngành da giày hiện đang có đơn đặt hàng tăng mạnh, các DN đang tập trung đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác. Nguyên nhân khiến đơn hàng tăng vọt là do các DN trong ngành đã tạo lập được uy tín đối với khách hàng nên nhiều thương hiệu giày dép lớn tại EU và Mỹ đã tới tìm hiểu để đặt hàng. Đồng thời sự gia tăng đơn hàng cũng do có sự chuyển dịch mạnh mẽ các đơn hàng từ Trung Quốc bởi chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện tăng quá nóng. DN hiện tại không lo thiếu đơn hàng mà lo hoàn thành các đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác. Tuy nhiên, khó khăn về vốn và nhân lực đang khiến khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành da giày trở nên bấp bênh.

Ngoài ra, ngành dệt may còn đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như giá nhân công, chi phí đầu vào tăng cao do không chủ động được nguồn nguyên liệu; XK chịu tác động mạnh từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Hoa Kỳ, tiết kiệm tiêu dùng của Nhật Bản và khủng hoảng nợ công tại nhiều nước châu Âu. Vì vậy, nhiều DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơmi, quần âu bị hủy hợp đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý 1/2012.

Công ty cổ phần May Arksun Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Xá ( Nam Định ) là doanh nghiệp 100% vốn của Hồng Công (Trung Quốc), chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu như: Áo Jacket, quần âu, áo sơ mi... Ảnh : Danh Lam – TTXVN


Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, XK đã nêu tại Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ và xây dựng kế hoạch điều hành xuất nhập khẩu năm 2012. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và các ưu đãi theo các cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng XK; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh.

Bộ này cũng sẽ đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế phân bổ tín dụng theo hướng ưu tiên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng XK, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho người nông dân và các DN thu mua nguyên liệu và sản xuất hàng XK, đồng thời tạo sự chủ động về nguồn hàng cho XK.

Bộ NN&PTNT cũng đang đặt ra nhiều chỉ tiêu cho tăng trưởng của ngành năm 2012. theo đó, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 2,5 - 2,6%. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 4 - 4,5%. Kim ngạch XK đạt 25,5 - 26,0 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thủy sản hiện đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là vấn đề con giống - nỗi lo chính của ngành bởi trên thực tế, chất lượng nhiều loại con giống như cá tra, tôm, cá truyền thống rất thấp. Dưới góc độ chế biến và XK, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam nhận định, chất lượng sản phẩm và giá cạnh tranh là hai yếu tố quan trọng để sản phẩm thủy sản Việt Nam thâm nhập sâu, rộng vào thị trường thế giới. Song hành với đó là vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) càng được các thị trường chú trọng. Do đó, việc đảm bảo kiểm soát toàn chuỗi sản xuất của DN và các bên tham gia chuỗi nhằm đạt chất lượng, VSATTP và năng lực cạnh tranh cao là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành thủy sản. Đặc biệt, các DN chế biến thủy sản XK cần phải tổ chức lại sản xuất, tăng cường đoàn kết, hỗ trợ để tạo sức mạnh khi bước vào sân chơi lớn. Đặc biệt, trong năm 2012, để tạo đột phá khai thác theo hướng hiện đại, ngành khai thác sẽ đề xuất Bộ, Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất, khai thác cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp hiện đại, gắn với chế biến XK.

Riêng vấn đề vốn đầu tư ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: Mặc dù ngân sách đầu tư giảm nhưng hiệu quả của các dự án đầu tư khi hoàn thành sẽ đảm bảo có những đóng góp tích cực cho các mục tiêu phát triển trong Chiến lược phát triển ngành thủy sản. Tuy vậy, kết quả huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cũng như việc phối hợp với các cơ quan quản lý các cấp chưa có sự chuyển biến mạnh, chuyển đổi cơ cấu đầu tư chưa rõ nét, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản…

Hồng Minh