10:09 05/10/2011

Xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục

Xuất khẩu gạo Việt Nam 9 tháng của năm 2011 đã đạt mức kỷ lục mới, cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng, trị giá và giá bình quân. Hiệu quả từ xuất khẩu gạo đã góp phần không nhỏ giúp nhà nông tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xuất khẩu gạo Việt Nam 9 tháng của năm 2011 đã đạt mức kỷ lục mới, cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng, trị giá và giá bình quân. Hiệu quả từ xuất khẩu gạo đã góp phần không nhỏ giúp nhà nông tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Tại cuộc họp báo được tổ chức sáng qua (4/10) tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Từ đầu năm đến nay cả nước đã xuất khẩu (XK) gần 5,9 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng khoảng 9% về số lượng và gần 24% về trị giá so với cùng kỳ. “Giá gạo XK bình quân đạt hơn 479 USD/tấn, tăng hơn 56 USD/tấn. Những thị trường chủ yếu tiêu thụ gạo của Việt Nam vẫn là các nước châu Á (chiếm gần 63%), tiếp đến là châu Phi, châu Mỹ, châu Âu… XK gạo cả năm 2011 có thể lên tới 7 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Khảo sát sơ bộ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa gạo vẫn tiếp tục tăng từ 100 – 200 đồng/kg so với 10 ngày trước. Giá lúa khô loại thường tại tỉnh An Giang dao động từ 6.750 – 6.850 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.900 – 7.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 9.200 – 9.300 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 50% tấm là 8.950 – 9.050 đồng/kg… Nguyên nhân giá lúa gạo từ tháng 6 đến nay tăng mạnh và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng mạnh và chính sách hỗ trợ nâng giá lúa của chính phủ mới tại Thái Lan.

Theo VFA, thị trường XK gạo của Việt Nam các tháng qua đã có sự thay đổi đáng kể khi bạn hàng truyền thống Philíppin có sự điều chỉnh về chính sách, trì hoãn và giảm nhập khẩu số lượng lớn. Tuy nhiên, theo ông Bảy, thị trường này đã nhanh chóng được thay thế bằng những thị trường khác như Inđônêxia, Bănglađét, Trung Quốc…

Tính đến thời điểm đầu tháng 9/2011, lượng tồn kho của cả nước đạt gần 1,5 triệu tấn, trong đó chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp và Tổng công ty Lương thực miền Nam. Từ nay cho đến cuối năm, VFA sẽ chú trọng trong công tác điều hành XK gạo để đảm bảo vừa xuất hết số lượng gạo hàng hóa, vừa giữ được hàng, phục vụ cho nhu cầu XK vào quý 1/2012. Riêng về thị trường quý 4/2011, các doanh nghiệp cho rằng sẽ có sự chi phối bởi cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực nên khó dự báo và nhiều rủi ro: Chẳng hạn, trong khi Thái Lan chủ trương hỗ trợ nâng giá lúa gạo XK thì Ấn Độ lại bán ra 2 triệu tấn gạo giá thấp, Inđônêxia đang tăng cường nhập khẩu.

Cũng theo VFA, khi Nghị định về kinh doanh XK gạo bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/10 nhưng chỉ có 69 doanh nghiệp thuộc VFA được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện XK gạo. Gần 40 doanh nghiệp hiện đã làm hồ sơ xin cấp giấy phép XK gạo nhưng chưa được sự phê duyệt của ngành chức năng là do không đáp ứng được yêu cầu về kho chứa lúa (5.000 tấn trở lên) và nhà máy xay xát (nhà máy xay xát với công suất 10 tấn/giờ, có máy tách vỏ lúa, đánh bóng…) phải tập trung trên một địa điểm. “Bộ Công Thương đã đồng ý cho phép doanh nghiệp không cần có nhà máy xay xát, kho chứa gạo tập trung mà có thể đặt tại nhiều nơi khác nhau và có thể thuê ở ngoài. Ngoài ra, nhiều yêu cầu khác cũng được Bộ gia hạn thêm một năm nữa. Vì thế, kế hoạch XK gạo trong năm 2011 cũng không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Bảy cho biết.

Lê Nghĩa