04:01 13/04/2012

Xuất khẩu dệt may lộ diện khó khăn

Qúy I, tuy hàng dệt may vẫn có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong số các nhóm hàng xuất khẩu của nước ta, nhưng khó khăn cũng đã lộ diện rõ hơn khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm ở ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

Qúy I, tuy hàng dệt may vẫn có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong số các nhóm hàng xuất khẩu của nước ta, nhưng khó khăn cũng đã lộ diện rõ hơn khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và các đơn hàng xuất khẩu đang bị giảm ở ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Sụt giảm đơn hàng
từ các thị trường chính

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tháng 3, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước ta ước đạt 1,15 tỷ USD (nếu tính cả xuất khẩu xơ sợi là 1,3 tỷ USD). Ước cả quý I kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 3,25 tỷ USD (tính cả xuất khẩu xơ sợi là 3,6 tỷ USD), tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng hàng dệt may quý I năm trước là hơn 30%, cao hơn rất nhiều mức tăng trưởng của năm nay.

Công nhân Công ty cổ phần May Phú Thịnh – Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh sản xuất hàng xuất khẩu. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN


Một khó khăn lớn của ngành dệt may là xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đang chậm lại. Lượng hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU từ đầu năm đến giữa tháng 3/2012 đã giảm 25 - 30% so với cùng thời điểm năm 2011. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia EU nên người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, thị trường nhập khẩu bị thu hẹp khiến cho lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này giảm so với cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ trong tháng 3 ước sẽ tăng không quá 10% so với cùng kỳ, cũng là một mức tăng trưởng đáng lo ngại.

Triển vọng xuất khẩu dệt may trong các tháng tới cũng không mấy sáng sủa khi nhìn vào tình hình nhập khẩu của ngành này. Tháng 3, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi dệt, vải đều giảm mạnh ở mức 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nhập khẩu sợi ước giảm 3% về lượng và 13% về trị giá, nhập khẩu vải giảm gần 10% về trị giá, nhập khẩu bông giảm tới 36,6% về trị giá và 16% về lượng. Điều này cho thấy nguy cơ sụt giảm đơn hàng dệt may trong thời gian tới.

Thực tế hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang rất khó tìm được đơn hàng có số lượng lớn mà chỉ ký được các đơn hàng vài chục nghìn sản phẩm. Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện tại, chỉ những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường, có tiềm lực mạnh là có đơn hàng của cả quý II và đang thu xếp đơn hàng quý III với những tín hiệu tương đối khá. Còn lại, những doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp không có điều kiện làm hàng trực tiếp với đối tác xuất khẩu mà phải làm vệ tinh cho các công ty trong nước thì khó khăn hơn.

Đặc biệt, do đơn đặt hàng không dài như các năm trước nên các doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn trong các quý sau. Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm: “Khi đặt hàng sát thời gian thì khả năng tổ chức sản xuất và quản lý sản xuất của doanh nghiệp phải ở trình độ cao hơn thì mới đảm bảo được tiến độ, đảm bảo chất lượng đúng theo yêu cầu của khách hàng. Đây là đòi hỏi khó với nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu dệt may. Hơn nữa, những đơn hàng ngắn hạn rất dễ phát sinh nhiều chi phí tăng thêm. Điều này khiến doanh nghiệp ở trong một tình thế khó khăn hơn về quản trị và đòi hỏi phải có những giải pháp, đặc biệt giải pháp về năng suất và giải pháp về quản trị nội bộ thì mới có thể đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng”.

Mở rộng thị trường cho hàng dệt may Việt Nam

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2012. Hiện nay, Việt Nam đứng trong top 5 nhà cung ứng có thị phần lớn nhất đối với mặt hàng may mặc tại Hoa Kỳ. Tại thị trường EU, thị phần của hàng dệt may Việt Nam hiện đang đứng trong top 10, sau các nhà cung ứng lớn khác như: Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... Tuy nhiên, xu hướng giảm sút đơn hàng ở các thị trường lớn và chỉ có đơn đặt hàng trong ngắn hạn đang là xu hướng mới của năm nay và gây bất lợi nhất định cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may vẫn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với mức tăng trưởng dự kiến năm 2012 là 15% so với năm 2011. Tuy nhiên, để bù đắp cho sự sụt giảm từ các thị trường chính, các doanh nghiệp ngành dệt may cần tích cực tìm hướng gia tăng xuất khẩu sang các thị trường mới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ănggôla, Niu Dilân, Ấn Độ, Nga.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu của hàng dệt may, bảo đảm không bị sụt giảm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may cần tiếp tục tìm giải pháp để giảm dần sự phụ thuộc vào đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán hàng).

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may nên quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Thời gian qua, nhờ chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã và giá cả hợp lý, sản phẩm dệt may trong nước đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa.

Thu Hường