01:15 09/01/2013

Xuất hiện sâu lạ phá hoại cây quế

Trên địa bàn xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) có hơn 800ha cây lâm nghiệp, trong đó có khoảng 10% diện tích bị sâu hại cục bộ. Đáng chú ý, số cây bị thiệt hại chủ yếu là cây quế - một loại cây từ trước đến nay ít bị sâu tấn công nhưng giờ cũng bị ăn trụi lá.

Trên địa bàn xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) có hơn 800ha cây lâm nghiệp, trong đó có khoảng 10% diện tích bị sâu hại cục bộ. Đáng chú ý, số cây bị thiệt hại chủ yếu là cây quế - một loại cây từ trước đến nay ít bị sâu tấn công nhưng giờ cũng bị ăn trụi lá.

Đây là một hiện tượng lạ mà theo những người cao niên ở địa phương chưa hề thấy bao giờ, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp giúp nông dân diệt trừ sâu bệnh bảo vệ vườn rừng.

Diện tích rừng bị sâu gây hại. Ảnh: baolaocai.vn


Bà Nguyễn Thị Vinh, 50 tuổi, người làm vườn ở thôn Phú Hợp 2, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết, gia đình bà có diện tích rừng bị sâu lạ phá hoại nhiều nhất, loại sâu này có màu nâu, dưới bụng có vạch màu vàng, thân cứng và màu sắc bên ngoài giống như vỏ quế, rất khó phát hiện và lần đầu tiên bà nhìn thấy loại sâu này.

Ông Lù Văn Dìn, Phó phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho biết, hiện tượng sâu lạ phá rừng quế và một số loại cây khác như bồ đề, mỡ... là có thật. Hiện tại Phòng đã triển khai phương án giúp dân dập sâu bệnh.

Trước mắt huyện tăng cường cán bộ khuyến lâm và bảo vệ thực vật xuống địa bàn hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh hại rừng như: xới đất kết hợp với phun hóa chất và bắt sâu, khoanh vùng không cho lan rộng thành dịch.

Phòng Kinh tế huyện một mặt kiểm tra xác định loại sâu để sử dụng thuốc diệt trừ thích hợp, mặt khác đã có phương án báo cáo huyện và tỉnh dự trù kinh phí dùng hóa chất phun diện rộng nếu thấy cần thiết để tránh thiệt hại về rừng cho bà con.

Được biết năm 2012 ở huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và Bát Xát cũng có hàng trăm ha rừng bị sâu lạ tàn phá, nhưng chủ yếu ở cây mỡ. Những loại sâu này chỉ phá vào ban đêm, ban ngày chúng nằm yên trên thân và cành cây, hoặc chui vào các tổ ở dưới đất và lớp lá mục, nên việc kết hợp thăm rừng, vệ sinh vườn rừng và phun thuốc diệt sâu là biện pháp phòng trừ sâu bệnh tốt nhất mà ngành chức năng khuyên cáo nông dân.


Lục Văn Toán