Việc ra mắt tiền số/tiền mã hoá A7A5 đã mở ra một phương thức thanh toán thay thế cho các doanh nghiệp và cá nhân của Liên bang Nga để lách các lệnh trừng phạt khi giao dịch với đối tác nước ngoài.
Quang cảnh bên ngoài Điện Kremlin ở thủ đô Moskva của Liên bang Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Báo The Kyiv Post chiều 26/6, theo giờ địa phương, dẫn phát biểu của nhiều chuyên gia với hãng tin AFP cho rằng Liên bang Nga có thể đang chuyển sang sử dụng một loại tiền điện tử mới có tên là A7A5 nhằm cho phép dòng tiền ra vào đất nước và tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo The Kyiv Post, phương Tây đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt quốc tế lên Liên bang Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, nhằm gia tăng áp lực kinh tế để buộc Moskva (Moscow) chấm dứt chiến tranh.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Phục hồi Thông tin (CIR) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh – việc ra mắt đồng A7A5 vào tháng Hai năm nay đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân của Liên bang Nga sử dụng một phương thức thanh toán thay thế để né tránh lệnh trừng phạt khi giao dịch với các đối tác nước ngoài.
A7A5 là một loại stablecoin – tiền điện tử được bảo chứng bằng tài sản truyền thống – trong trường hợp này được neo giá theo đồng rúp Nga, khiến nó khó bị các cơ quan phương Tây giám sát hơn so với các stablecoin neo theo đồng đô la Mỹ.
Trong một phát biểu với hãng tin AFP, ông George Voloshin từ nhóm chống rửa tiền ACAMS cho biết đồng tiền số A7A5 được ra mắt bởi một nhà tài phiệt thân Liên bang Nga người Moldova cùng một ngân hàng quốc doanh của Liên bang Nga, với tư cách là “đồng stablecoin đầu tiên được neo theo đồng rúp”.
Dù hiện nay, đồng tiền mã hoá này chưa được sử dụng rộng rãi, nhưng các chuyên gia nhận định việc A7A5 ra đời là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Liên bang Nga nhằm giảm phụ thuộc vào các công ty tiền điện tử lớn – vốn thường hợp tác với các chính phủ phương Tây.
Đồng stablecoin của Liên bang Nga
Kể từ khi Liên bang Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và chịu các biện pháp đóng băng tài sản cùng lệnh cấm đầu tư, Moskva đã bắt đầu chuyển sang sử dụng tiền điện tử để lách các hạn chế tài chính do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Stablecoin đặc biệt hấp dẫn vì ít biến động hơn so với các loại tiền điện tử khác.
Theo dữ liệu từ các công ty phân tích như Elliptic, một số người cũng đã sử dụng tiền điện tử để quyên góp trực tiếp cho cả quân đội Ukraine và các lực lượng dân quân Liên bang Nga.
Tuy nhiên, Liên bang Nga đã gặp vấn đề khi Tether, công ty điều hành đồng USDT (loại stablecoin phổ biến nhất, được neo theo đồng đô la Mỹ) đã hợp tác với chính quyền Mỹ và châu Âu.
Đầu năm nay, Tether đã chặn 28 triệu đô la USDT trong các ví thuộc sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất của Liên bang Nga là Garantex, sàn này sau đó đã bị đóng cửa trong một chiến dịch toàn cầu chống giao dịch phi pháp.
Theo bà Elise Thomas, điều tra viên cấp cao tại Trung tâm Phục hồi Thông tin CIR, “đó là một cú đánh thức tỉnh thực sự đối với Liên bang Nga” và thực tế đó khiến Liên bang Nga nghĩ rằng “họ cần một loại stablecoin của riêng mình, một thứ mà họ có thể kiểm soát”.
Dữ liệu từ công ty theo dõi tiền điện tử Global Ledger cho hay ngay trước khi Garantex bị đóng cửa, hàng chục triệu đô la Mỹ đã được chuyển từ USDT sang A7A5.
Giao dịch của đồng tiền mã hoá trên sàn CoinMarketCap. Ảnh chụp màn hình
Cách thức vận hành của đồng A7A5
A7A5 được bảo chứng bằng tiền gửi tại Ngân hàng Promsvyazbank, một ngân hàng Liên bang Nga đang bị trừng phạt vì mối liên hệ với chính phủ và quân đội Liên bang Nga.
Đồng tiền này được giao dịch trên sàn Grinex, một sàn tiền điện tử đặt tại Kyrgyzstan – quốc gia được coi là thân thiện hơn với lợi ích của Liên bang Nga và ít chịu áp lực từ phương Tây.
Trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trực tuyến, ông Leonid Shumakov, Giám đốc dự án, cho biết A7A5 cũng được đăng ký tại Kyrgyzstan thay vì Liên bang Nga, vì nước này có môi trường pháp lý thuận lợi cho tiền điện tử và ít bị ảnh hưởng bởi “các lệnh trừng phạt và áp lực kinh tế khác”.
Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi ra mắt, đã có khoảng 150 triệu đô la Mỹ được nắm giữ dưới dạng A7A5.
Theo ông Voloshin từ nhóm chống rửa tiền ACAMS, những giao dịch này không nhất thiết là bất hợp pháp, nhưng có thể trở thành vấn đề nếu bị các cá nhân hay thực thể đang bị trừng phạt sử dụng để tái kết nối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Người đứng sau nhóm A7 – đơn vị phát triển đồng tiền mã hóa A7A5 – là Ilan Shor, một doanh nhân kiêm chính trị gia người Moldova hiện đang sinh sống tại Liên bang Nga.
Các nhà điều tra đã phát hiện mối liên hệ giữa A7A5 và các hoạt động chính trị của Shor tại Moldova, bao gồm việc các trang web liên quan đến cả hai sử dụng cùng một địa chỉ IP.
Những phát hiện này cho thấy đồng tiền mã hóa này có thể đang được sử dụng như một công cụ gây ảnh hưởng chính trị.
Bản thân Shor và công ty của ông ta đã bị Vương quốc Anh trừng phạt, và gần đây tiếp tục bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt vì cáo buộc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Moldova năm 2024 và cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU – trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moskva.
Phía Liên bang Nga và doanh nhân Ilan Shor chưa đưa ra bình luận thức thời đối với các thông tin nêu trên.