02:09 04/02/2012

Xuân mới trên quê hương ATK Định Hóa

Từ lâu, An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên) đã được biết đến như một địa danh ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt trong dòng chảy của Cách mạng Việt Nam. Trở lại Định Hóa đúng dịp xuân mới, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của diện mạo nông thôn nơi đây.

Từ lâu, An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên) đã được biết đến như một địa danh ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt trong dòng chảy của Cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn Định Hóa là “đại bản doanh” lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Từ ATK Định Hóa, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra quyết định đánh trận Điện Biên Phủ lịch sử, làm nên thắng lợi “chấn động địa cầu”…

Trở lại Định Hóa đúng dịp xuân mới, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của diện mạo nông thôn nơi đây. Những con đường nhỏ hẹp, lầy lội trước đó đã được trải nhựa hoặc bê tông phẳng lì, nhiều ngôi nhà mới to đẹp mọc lên san sát dọc các trục đường tỉnh lộ. Đặc biệt hơn, trên khắp các thửa ruộng, triền đồi đang được phủ kín bởi một màu xanh mơn mởn của lúa, của chè và của những cánh rừng sắp tới tuổi khai thác. Những dấu hiệu về một cuộc sống sung túc, đủ đầy của người dân vùng chiến khu xưa…

Đường giao thông của Định Hóa đang được đầu tư nâng cấp.

Không còn là vùng “thâm sơn cùng cốc” như trước đây, ở Định Hóa hôm nay, chuyện người nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng không còn là hiếm. Gia đình ông Hoàng Đình Đoàn, bản Đồng Va, xã Đồng Thịnh là một điển hình. Người dân địa phương vẫn gọi ông là “vua rừng” bởi gia đình ông hiện có gần 150 ha rừng trồng và khoanh nuôi, bảo vệ giá trị kinh tế ước tính hàng tỷ đồng. Cả cuộc đời gắn bó với núi rừng, ông Đoàn luôn trăn trở làm sao để làm giàu trên chính vườn bãi của gia đình. Từ suy nghĩ rồi bắt tay vào thực tế, cùng với cơ chế khuyến khích người dân khoanh nuôi và trồng rừng của huyện, từ năm 1995 ông Đoàn bắt đầu cải tạo diện tích rừng tạp của gia đình để trồng thay thế bằng các loại cây keo, bạch đàn, mỡ, trám… Không những thế, ông còn mua lại những diện tích rừng nghèo kiệt ở địa phương để cải tạo và trồng, nhận khoanh nuôi bảo vệ. Hơn 15 năm bền bỉ, tận tụy như thế, ông đã có gần 150 ha rừng, phần đã được khai thác và trồng lại, phần mới bén rễ được 1 đến 2 năm. “Nông nghiệp cũng có thể làm giàu, quan trọng là phải có tư duy và cách làm phù hợp”, ông Đoàn chia sẻ...

Cùng với gia đình ông Đoàn, trên địa bàn huyện còn có cả trăm gia đình có quy mô trang trại rừng trên 20 ha như: Gia đình bà Nguyễn Thị Huấn bản Nà Làng, xã Lam Vỹ gần 80 ha rừng; ông Nông Đình Thân bản Nà Chúa, xã Đồng Thịnh 60 ha; ông Hoàng Văn Sơn xã Phú Tiến hơn 20 ha… Xác định lâm nghiệp là thế mạnh, cũng là lĩnh vực giúp người dân thoát nghèo, những năm qua huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trồng mới và khoành nuôi bảo vệ rừng như: Hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho người dân theo dự án trồng rừng 661; phát triển giao thông và tạo cơ chế thông thoáng trong khai thác rừng… Trong giai đoạn 2006 - 2010, huyện đã trồng mới được 4.900 ha rừng, vượt 1.500 ha so với kế hoạch, cấp phép khai thác hàng nghìn mét khối gỗ sản xuất. Riêng năm 2011, huyện đã trồng mới được hơn 1.000 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng lên gần 60%.

Chè đã và đang là cây trồng thế mạnh của Định Hóa.

Cùng với lâm nghiệp, huyện Định Hóa đã tập trung phát triển các lĩnh vực nông nghiệp được coi là thế mạnh, đặc trưng của địa phương, đó là cây chè, chăn nuôi gia súc lớn và sản xuất lúa hàng hóa. Điều đáng ghi nhận là người nông dân đã chủ động áp dụng khoa học – kỹ thuật để giảm thiểu công lao động, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua tăng năng xuất và chất lượng. Đi giữa vùng chè chuyên canh phía nam của huyện, không khó để thấy các loại máy hái, cắt chè, hệ thống tưới nước bằng van xoay… được sử dụng phổ biến. Là một trong những gia đình có diện tích chè lớn nhất của xã Bình Yên, hơn 1 năm nay, anh Nguyễn Duy Chuyên xóm Yên Hòa đã đầu tư máy hái chè để tự phục vụ. Với chiếc máy này, anh Chuyên có thể tự thu hái diện tích chè hơn 7.000 m2 (khoảng 1,4 tấn chè búp tươi mỗi lứa), tiết kiệm được hàng chục triệu đồng thuê nhân công thu hái mỗi năm, không còn cảnh khấp khởi lo lắng chè quá lứa mỗi khi đến vụ nữa. Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có 3.300 ha chè, trong đó có 2.900 ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 21.000 tấn (tăng 8.000 tấn so với năm 2005), đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến chè trên địa bàn. Trong 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng mới và thay thế được 455 ha chè cành. Toàn huyện có 56 trang trại, trong đó có hơn 30 trang trại tổng hợp và chăn nuôi gia súc lớn. Huyện cũng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tại 16 xã, với quy mô gieo cấy trung bình mỗi năm hơn 1.500 ha.

Ông Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn, huyện luôn tập trung các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng đầu tư xây mới và cải tạo các công trình thủy lợi, trong đó có các công trình trọng điểm như: Hệ thống thủy lợi sau hồ Bảo Linh, cải tạo đường ống hồ Làng Gầy, xã Phúc Chu; kiên cố hóa gần 50 km kênh mương… từng bước chủ động nguồn nước cho nông nghiệp; quan tâm phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, cải tạo hệ thống điện để tạo điều kiện thuận lợi chế biến và tiêu thụ nông sản. Huyện cũng có nhiều chính sách để định hướng, khuyến khích người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác… Từ đó, giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt ở Định Hóa hiện đã đạt gần 50 triệu đồng, bình quân lương thực đạt gần 550 kg/người/năm, vụ xuân 2011, năng suất lúa của huyện đạt 58 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay… Ngoài nông nghiệp, Định Hóa đang tập trung thêm các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương như: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử dựa trên việc bảo tồn, phát huy các di tích vùng ATK, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, xây dựng các làng nghề, làng văn hóa dân tộc truyền thống…

Rời miền đất ATK lịch sử trong tiết mưa xuân lây rây và không khí náo nhiệt của Hội lồng tồng Định Hóa - hội xuống đồng lớn nhất vùng Việt Bắc, bỗng thấy lâng lâng trong mình cảm giác tự hào, lạc quan về một miền quê cách mạng đang từng ngày đổi mới, phát triển.

Hoàng Thảo Nguyên - Hồng Tâm