07:14 02/07/2014

“Xử” mũ rởm nhưng không gây khó cho dân

Đây là khẳng định của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội với phóng viên báo Tin Tức trong đợt triển khai cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy từ ngày 1/7.

Đây là khẳng định của Đại tá Đào Vịnh Thắng (ảnh), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội với phóng viên báo Tin Tức trong đợt triển khai cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy từ ngày 1/7.

 

Nhắc nhở, tuyên truyền


Phóng viên báo Tin Tức theo chân Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn có mặt tại các nút giao thông trọng điểm của Hà Nội trong ngày đầu tiên thực hiện đợt cao điểm này. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các nút giao: Đại Cồ Việt - Giải Phóng - Kim Liên, Thái Hà - Chùa Bộc - Tây Sơn, Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Giải Phóng…, lực lượng CSGT chỉ xử phạt các trường hợp vi phạm luật giao thông như: Vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, chở quá số người quy định… Lỗi đội MBH không đạt chuẩn chưa bị xử phạt. CSGT chỉ nhắc nhở người vi phạm và tiếp tục cho tham gia giao thông.

 

Cảnh sát giúp người tham gia giao thông phân biệt mũ thật - mũ giả.


Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn Nguyễn Văn Hải cho biết: Người tham gia giao thông đang lưu thông trên đường chấp hành tốt các quy định về luật giao thông sẽ không bị lực lượng CSGT dừng xe để kiểm tra MBH. Các trường hợp vi phạm luật bị dừng xe cũng chỉ bị xử phạt các lỗi vi phạm khác theo quy định, mà chưa bị xử phạt lỗi đội MBH không đạt chuẩn. Riêng đối với các trường hợp cố tình vi phạm như: Không đội MBH, đội mũ không cài quai hoặc cài không đúng quy cách mới bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng theo quy định trong Nghị định 171/CP.


Tại nút giao Đại Cồ Việt - Giải Phóng - Kim Liên, Thiếu úy Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: Nếu xử phạt ngay lỗi vi phạm đội MBH không đạt chuẩn và tịch thu tại chỗ, rồi tiếp tục cho lưu thông, thì người đó lại mắc thêm lỗi vi phạm. Do đó, nếu muốn phạt lỗi vi phạm này thì phải cấm sản xuất, buôn bán, kinh doanh MBH rởm ngay từ đầu và phải phạt nặng các cơ sở sản xuất mũ, chứ khó xử phạt người sử dụng. Phạt người đội MBH rởm không phải là cách giải quyết triệt để.


Trao đổi với phóng viên, Đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định: Bất cứ người nào tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy mà chấp hành tốt luật lệ giao thông thì không có lý gì để lực lượng CSGT ra hiệu lệnh kiểm tra. Chỉ những trường hợp cố tình vi phạm mới bị xử phạt. Lực lượng CSGT không được quyền dừng xe đối với người đang tham gia giao thông để kiểm tra MBH có đạt chuẩn hay không. Trong khi đó, lực lượng CSGT hiện nay cũng chưa được trang bị máy móc để phát hiện MBH đạt chuẩn.


Số liệu khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, hiện trên thị trường có tới 70% số MBH đang bày bán và lưu hành là kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn. Con số thống kê cũng chỉ ra, đến nay, tỷ lệ đội MBH của người dân đã đạt trên 95%, nhưng chỉ có 30% đội mũ chuẩn. Tuy nhiên, hiện còn thiếu chế tài xử phạt hành vi đội MBH rởm. Thêm vào đó, MBH được bày bán ở khắp các nẻo đường Hà Nội, người bán vẫn đắt hàng, người mua vẫn vô tư mua nên việc xử phạt hành vi đội MBH rởm khó khả thi.


An toàn cho chính mình


Đợt cao điểm này được triển khai từ ngày 1/7 - 31/12/2014. Theo đó, Phòng CSGT Hà Nội đã thành lập các tổ trinh sát từ 4 - 6 chiến sỹ, phối hợp với các lực lượng cảnh sát, công an khác tại các quận, huyện chốt trực tại 9 tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố, các địa bàn trọng điểm để tuần tra, phát hiện, nhắc nhở và xử lý người đội MBH rởm trong thời gian từ 6 - 22 giờ hàng ngày.


Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, khó khăn nhất hiện nay đối với lực lượng CSGT là chưa có trang thiết bị phát hiện MBH chuẩn, mức xử phạt thấp từ 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe và việc thiếu chế tài xử phạt việc sản xuất, kinh doanh MBH giả, kém chất lượng cũng gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính bằng tiền đối với người đội MBH không đạt chuẩn chưa nên thực hiện ngay, mà trước mắt cần tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và tự giác đội MBH đúng tiêu chuẩn. Hành động này không chỉ giúp người dân tuân thủ nghiêm luật pháp khi tham gia giao thông mà còn giúp họ bảo vệ tính mạng của chính mình.


Theo quan điểm của Ủy ban ATGT Quốc gia, hành vi không đội MBH và đội MBH không đạt chuẩn đều phải bị xử phạt. Do đó, Ủy ban tập trung tuyên truyền người dân đổi hoặc mua MBH đúng quy chuẩn. Đối với người đội MBH giả, kém chất lượng thì coi như không đội MBH, phải xử phạt ngay. Trong đợt cao điểm này, Ủy ban không đặt mục tiêu xử phạt mà đặt mục tiêu giúp người dân ý thức được bảo vệ chính mình.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu - Nam Hoàng