08:05 06/08/2011

Xử lý vi phạm trông giữ phương tiện tại Hà Nội: Phạt cứ phạt, vi phạm cứ vi phạm!

Từ ngày 30/5 đến nay, mặc dù liên ngành Giao thông Vận tải (GTVT) - Công an TP Hà Nội tăng cường ra quân kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe, nhưng tình trạng vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ tại các điểm trông giữ xe không hề giảm.

Từ ngày 30/5 đến nay, mặc dù liên ngành Giao thông Vận tải (GTVT) - Công an TP Hà Nội tăng cường ra quân kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động trông giữ xe, nhưng tình trạng vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ tại các điểm trông giữ xe không hề giảm. Hàng loạt kiến nghị xử lý đã được chuyển đến các cơ quan hữu quan, nhưng dư luận vẫn hồ nghi tính hiệu quả việc ngăn chặn loại hình dịch vụ siêu lợi nhuận này. Thực tế này cho thấy, các điểm trông giữ xe cần có sự quản lý và xử phạt mạnh tay hơn nữa để răn đe.

Trên 90% các điểm trông giữ xe vi phạm

Theo Sở GTVT Hà Nội về việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các điểm đỗ xe tĩnh và hoạt động trông giữ xe, trong đợt ra quân lần này, lực lượng liên ngành đã phát hiện 65/70 điểm trông giữ xe vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ và thu phí, lệ phí, chiếm tới 93%. Các vi phạm chủ yếu là không có đăng ký kinh doanh, chiếm dụng vỉa hè, không niêm yết giá, thu quá quy định, chiếm dụng hè đường, vi phạm về phòng, chống cháy nổ, không nộp nghĩa vụ thuế, gây mất mỹ quan đô thị...

Người đi bộ phải “nhường” vỉa hè cho bãi trông xe.

Đáng chú ý là nhiều điểm trông giữ xe tại 10 quận nội thành còn biến tướng từ các sân khuôn viên trong bệnh viện, trường học, cơ quan, doanh nghiệp... thậm chí cả trụ sở phường cũng thành bãi trông giữ xe,

Hầu hết các điểm vi phạm thu phí 5.000 đồng/xe gắn máy trong ngày như: Điểm giữ xe tại 22 - 24 Liễu Giai (quận Ba Đình), điểm trông giữ trước cổng Viện Mắt Trung ương trên phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng)...; bãi xe Ngọc Lâm (quận Long Biên) của Công ty cổ phần Vạn Tuế (đối diện bến xe Gia Lâm) hoạt động không phép, không thực hiện nghĩa vụ thuế, thu phí 10.000 đồng/xe gắn máy; điểm trông giữ xe “tạm thời” trong khuôn viên Nhà văn hóa Khương Đình (quận Thanh Xuân) hoạt động từ tháng 1/2010 đến nay, hàng ngày trông giữ từ 70 - 80 xe ô tô qua đêm, chưa kể xe gắn máy, xe ôtô gửi theo lượt, nhưng không có đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế...

Thêm vào đó, nhiều điểm trông giữ xe lợi dụng hè phố, lòng đường rộng đã tổ chức trông giữ xe, lấn chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ như tại cổng Bệnh viện 103, Bệnh viện Thanh Nhàn, vỉa hè phố Quán Sứ, phố Triệu Quốc Đạt... Đặc biệt, có điểm trông giữ xe do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng ra xin cấp phép, nhưng ký hợp đồng “bán lại” cho cá nhân để hưởng chênh lệch. Một số điểm trông giữ xe theo hình thức khoán quản thì chỉ quan tâm thu phí, còn để gây ô nhiễm, mất trật tự an toàn giao thông...

Theo quy định, mức thu phí trông giữ xe gắn máy là 2.000 đồng/xe ban ngày, 3.000 đồng/xe ban đêm, nhưng hiện nay hầu hết các điểm trông giữ xe thu vượt ngưỡng cao gấp 5 lần quy định, nhất là các điểm trông giữ xung quanh khu vực quận Hoàn Kiếm, chưa nói đến những ngày có lễ hội, mức thu phí tại những điểm này còn đội giá lên thêm nhiều lần nữa. Thậm chí, một số nơi mức thu phí còn trên 10.000 đồng/xe gắn máy như điểm trông giữ xe ở bến xe Gia Lâm, xung quanh chợ Đồng Xuân, khu vực tòa nhà Vincom, chợ đêm phố cổ...

Chính vì dễ kiếm tiền, lợi nhuận cao, nên các điểm trông giữ xe hiện nay mọc lên như nấm. Bãi giữ xe ô tô tại phố Hỏa Lò là một ví dụ, đây là điểm thử thách "tay lái lụa" của những người đi ô tô. Để tận dụng tối đa điểm đỗ, các tài xế được nhân viên trông giữ hướng dẫn "lao" nửa sau xe lên vỉa hè chật hẹp, nửa còn lại cắm xuống mặt đường. Còn ở khu vực phố cổ và các chợ nội thành, nhân viên trông giữ xe phải tận dụng tối đa diện tích trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường vốn dĩ đã chật hẹp. Tình trạng mạnh ai người nấy trông xe, sẵn sàng mọi cơ hội chộp giật, tranh thủ móc túi khách hàng, người dân thì méo mặt trả tiền mà không biết kêu ai...

“Nhờn thuốc” xử phạt hành chính

Theo điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý trật tự kinh tế (PC46-Công an TP Hà Nội), hiện nay, chỉ riêng tại 10 quận nội thành đã có hơn 1.000 điểm trông giữ ô tô, xe gắn máy, xe đạp thường xuyên hoạt động, trong đó có khoảng 750 điểm có phép và gần 300 điểm tự phát, không có phép. Việc tổ chức trông giữ xe hiện nay của các bãi xe được thực hiện theo nhiều hình thức như: Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, cơ quan, đơn vị trông giữ dưới hình thức xã hội hóa hoặc các tổ chức, cá nhân trông giữ xe dưới hình thức kinh doanh hộ cá thể và hình thức tự phát.

Một điểm trông xe lấn cả lòng đường ở phố Thái Phiên (Hà Nội).

Thống kê chưa đầy đủ của Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, thành phố đã tiến hành kiểm tra các điểm trông giữ xe tại các danh lam thắng cảnh, chợ, bệnh viện, trường học và tiến hành xử phạt hành chính 50 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 260 triệu đồng. Tính riêng đợt ra quân từ ngày 30/5 đến nay, 65/70 điểm trông giữ xe vi phạm đã bị xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng. Nhưng xem ra, số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc thu phí trông giữ xe. Bởi vậy, khi các lực lượng kiểm tra, thanh tra đi khỏi, các điểm trông giữ xe vẫn bất chấp quy định, ngang nhiên thu quá giá, "móc túi" khách đến gửi xe.

Bên cạnh đó, mức xử phạt hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, mức phạt cao nhất đối với các điểm trông giữ xe vi phạm là 12.500.000 đồng/lần. Nhưng với doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng, thì nhiều điểm trông giữ xe sẵn sàng nộp phạt để được… tiếp tục vi phạm, thậm chí còn thu cao hơn nhằm bù đắp vào khoản tiền đã nộp phạt. Việc buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý của các cơ quan chức năng đang tiếp sức để các điểm trông giữ xe “nhờn” luật.

Thiết nghĩ, để giải quyết được tình trạng trên, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm, các ngành chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt hành chính đối với các điểm trông giữ xe vi phạm, có chế tài xử phạt tăng nặng đối với điểm tái phạm, thậm chí rút giấy phép trông giữ mới có thể chấn chỉnh được tình trạng tăng giá tùy tiện. Đối với các điểm trông giữ xe vi phạm không có đăng ký kinh doanh, sử dụng quá diện tích cho phép, thu tiền quá giá với chênh lệch lớn, không thực hiện nghĩa vụ thuế, sẽ truy thu thuế theo quy định, đồng thời nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng, đủ điều kiện có thể chuyển ngành Công an xử lý hình sự.