05:09 18/05/2019

Xử lý vấn nạn khai thác cát trái phép - Bài 2: Chủ động phối hợp giữa các địa phương

Xử lý vấn nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cần có những giải pháp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng thành phố, cũng như sự phối hợp đồng bộ với các địa phương giáp ranh.

Tăng cường các giải pháp

Đề xuất giải pháp ở góc độ địa phương, ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ kiến nghị: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chủ trì với Bộ đội Biên phòng, Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố nghiên cứu phương án xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ. Đồng thời, Thành phố tăng cường phối hợp với các tỉnh có mỏ cát đang cấp phép khai thác để nắm thông tin, hỗ trợ công tác kiểm tra chứng từ của các đối tượng mua, bán và vận chuyển cát.

Chú thích ảnh
Các sà lan trang bị thiết bị hút cát trái phép bị lực lượng biên phòng TP Hồ Chí Minh bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát

Trong khi đó, ông Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thành phố chấp thuận chủ trương cho Bộ đội Biên phòng thành phố xây dựng chốt kiểm soát trên biển Cần Giờ, trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật hiện đại thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống xâm nhập đường biển, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác tài nguyên khoáng sản, thủy sản trái phép.

Bên cạnh đó, Thành phố tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực cùng các cơ quan chức năng phòng, chống khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Bến Tre là địa phương không giáp ranh với TP Hồ Chí Minh nhưng có xảy ra tình trạng mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa việc vận chuyển cát trái phép qua địa bàn TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ về giải pháp phòng, chống khai thác cát trái phép tại địa phương, ông Lê Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cho biết: Công tác tuyên truyền phòng, chống khai thác cát trái phép ở Bến Tre được thực hiện một cách toàn diện, trong đó hướng đến đối tượng quần chúng nhân dân, vì người dân ở khu vực các cồn trên sông sợ bị sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng nên chấp hành nghiêm.

Bến Tre cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát đường sông với sự tham gia của các ngành liên quan; thực hiện công tác kiểm tra trên tuyến sống, cửa biển và xử lý toàn diện vi phạm, đồng thời kiểm tra nơi tiêu thụ, các công trình xây dựng, các hóa đơn chứng từ, hợp đồng cung ứng cát san lấp, xây dựng.

Tại những nơi thường xuyên xảy ra vi phạm cần tiến hành lắp đặt hệ thống camera để phát hiện kịp thời; trong cấp phép tại mỏ khai thác cát, thực hiện định vị các thiết bị hoạt động trong khu vực mỏ. TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng một số giải pháp mà Bến Tre đang thực hiện hiệu quả nhằm giảm tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Trong khi đó, Đồng Nai là tỉnh giáp ranh với TP Hồ Chí Minh và thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép ở sông Đồng Nai, khu vực giáp ranh giữa hai địa phương. Ông Lương Đại Thủy, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai đề xuất: Công tác xử lý tình trạng khai thác cát trái phép gặp khó khăn về quy định pháp luật như Nghị định 33 quy định về khối lượng tang vật để tạm giữ phương tiện.

Vì vậy, các địa phương cần kiến nghị sửa đổi Nghị định 33 quy định về khối lượng tang vật để tạm giữ phương tiện, tăng mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm cũng như không chứng minh được tính hợp pháp khi gắn các đầu hút trên phương tiện. Lực lượng tuần tra đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát, vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra hóa đơn, chứng từ trong quá trình vận chuyển cát, cũng như tại nơi tiêu thụ.

Phối hợp đồng bộ giữa các địa phương

Thực hiện phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, ngày 6/1/2017, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh đã ký kết Quy chế phối hợp số 37/QCPH.

Để xử lý triệt để hơn vấn nạn khai thác cát trái phép, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh từ tháng 5/2019.

Đề án có thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2022 trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Đồng Tranh, Soài Rạp, Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Cát xây dựng trên địa bàn thành phố đã được khảo sát, đánh giá với trữ lượng trên 40 triệu m3, trong đó khu vực cấm khai thác có 6 tiểu khu, khu vực dự trữ có 22 tiểu khu.

Trữ lượng cát san lấp đã được thăm dò đánh giá trữ lượng có 9 mỏ trên vùng biển Cần Giờ và 1 khu vực trên sông Đồng Tranh với tổng trữ lượng hơn 35 triệu m3, 2 mỏ đang thẩm định phê duyệt trữ lượng và 2 mỏ đang cấp phép thăm dò.

Theo tính toán, nhu cầu cát xây dựng đến năm 2020 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 20,38 triệu m3, nhu cầu sử dụng cát san lấp đến năm 2025 hơn 200 triệu m3; trữ lượng, tiềm năng cát xây dựng, cát san lấp trên địa bàn thành phố không đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng tại các dự án trọng điểm cũng như của các địa phương.

Vì vậy, thành phố không chỉ đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn khai thác cát trái phép, mà còn tập trung phối hợp với các địa phương giáp ranh trong công tác kiểm tra, xử lý.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa các địa phương, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh sẽ rà soát các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông đường thủy; xem xét đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp; tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý các phương tiện và người tham gia điều khiển phương tiện khai thác cát trái phép, đủ sức răn đe nhằm phòng ngừa, tái diễn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Một trong những giải pháp quan trọng để giảm tình trạng khai thác cát trái phép là nghiên cứu đề xuất áp dụng công nghệ khoa học vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đầu tư trang thiết bị phù hợp, đáp ứng đa nhiệm vụ, đa mục tiêu phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển, nhất là ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Định kỳ 6 tháng một lần, thành phố tổ chức trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các sở, ngành, mỗi năm một lần giữa thành phố và các tỉnh giáp ranh. Ủy ban nhân dân thành phố cũng sẽ làm việc với Bộ Xây dựng về nhu cầu cát san lấp trong xây dựng trên địa bàn thành phố, đồng thời tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư về vật liệu mới thay thế cát, đề ra các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư.

Nguyễn Xuân Dự (TTXVN)