11:05 29/11/2014

Xử lý trách nhiệm lãnh đạo địa phương để xảy ra buôn lậu

Hiện nay, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.

Hiện nay, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.

Không những thế, vẫn còn không ít tình trạng bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu; sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra.

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11) do Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam tổ chức ngày 28/11, tại Hà Nội.

Tính đến tháng 11, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 120.000 lượt kiểm tra (tăng 10.000 lượt so với cùng kỳ năm 2013), trong đó xử lý gần 64.000 vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái; xử lý vi phạm hành chính 187 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo địa phương và lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường cần chủ động rà soát mô hình, tổ chức lực lượng, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và bố trí lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phòng, chống các biểu hiện tiêu cực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Đảng ủy Bộ Công Thương phải nêu ra được giải pháp để chống hàng giả, hàng lậu. Mặt khác, hai lực lượng nòng cốt trên thị trường nội địa là quản lý thị trường và công an phải đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, đấu tranh vào các đường dây ổ nhóm, để làm lành mạnh hóa thị trường, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Uyên Hương