07:11 30/07/2018

Xử lý phế liệu nhập khẩu: Rà soát lại các quy định về tạm nhập tái xuất

Bộ Công Thương dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành danh mục hàng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu dưới dạng hàng đã qua sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu và các giải pháp xử lý 1,9 triệu tấn phế liệu đang nằm tồn tại các cảng biển hiện nay, Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp nhằm rà soát lại các quy định về tạm nhập tái xuất và siết chặt mọi hoạt động nhập phế liệu vào Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Hàng trăm thiết bị điện tử gia dụng nhập lậu đã qua sử dụng bị phát hiện tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, ngày 5/7/2017. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc nhập phế liệu không thể cấm hoàn toàn vì một số ngành vẫn cần nguyên liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà Việt Nam lại trở thành bãi thải phế liệu và ảnh hưởng đến môi trường.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành danh mục hàng đã qua sử dụng cấm nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu dưới dạng hàng đã qua sử dụng.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét việc tạm dừng tạm nhập tái xuất đối với hàng phế liệu. Hơn nữa, theo dõi và ngăn chặn khả năng hàng phế liệu nhập khẩu qua hình thức thương mại biên giới.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ cùng với các Hiệp hội ngành hàng đánh giá nhu cầu phế liệu cần cho sản xuất, khả năng cung ứng phế liệu từ nguồn trong nước, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra danh mục phế liệu cấm nhập khẩu, phế liệu hạn chế nhập khẩu theo lộ trình.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng mua bán phế liệu trái phép đối với các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu và các làng nghề.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng họp bàn để xem xét, thẩm định kỹ các dự án đầu tư liên quan đến chế biến phế liệu.

Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong ngành công thương liên quan đến các mặt hàng phế liệu để làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát trong quá trình nhập khẩu và sử dụng phế liệu.

Không những thế, Bộ còn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng của các doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, hiện cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỷ đồng). Đặc biệt, Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD, thị trường thứ 2 là Hoa Kỳ với lượng nhập phế liệu sắt thép vào khoảng 389.000 tấn, kim ngạch 138 triệu USD.

Bên cạnh việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô. Hầu hết mặt hàng này đang nằm phần lớn ở các cảng biển, trong đó đặc biệt là các cảng biển quốc tế.

Theo các chuyên gia thương mại, mục đích của việc nhập khẩu lốp ô tô cũ là sơ chế và làm nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy sản xuất kính và các sản phẩm thủ công nghiệp. Tuy nhiên, những sản phẩm này đã và đang gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài săm lốp ô tô, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nhất là nhóm doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn nhập khẩu hạt nhựa và phế liệu nhựa, bao bì hay một số loại pin đã qua sử dụng về Việt Nam tái chế nhựa thành phẩm.

Hoạt động này đang được Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang lên kế hoạch cụ thể để cùng các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu tràn lan, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và ùn tắc tại các cảng.

Uyên Hương (TTXVN)