06:13 05/06/2017

Xử lý nước thải tại các làng nghề Việt Nam: Xử lý nước thải phân tán, giải pháp đầy tiềm năng - Bài cuối

Hiện nay, tập trung ưu tiên và huy động các nguồn lực cho hoạt động thu gom và xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước là hết sức cần thiết đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung hay xử lý nước thải phân tán đã được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là một trong những giải pháp xử lý nước thải phù hợp và hiệu quả tại Việt Nam. 

Hướng tiếp cận mới 

Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung (DEWATS) được tổ chức Hiệp hội nghiên cứu và phát triển ở ngoài nước Bremen (BORDA) nghiên cứu và phát triển với đối tượng tiếp cận là người dân ở các khu vực có thu nhập thấp tại các nước đang phát triển. DEWATS được nghiên cứu và phát triển thành các gói dịch vụ vệ sinh ứng với các nhóm đối tượng khác nhau như: CSB – Vệ sinh dựa vào cộng đồng, SME – Vệ sinh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, SBS – Vệ sinh trường học… và với một hệ thống công cụ hỗ trợ như: QMS – Hệ thống quản lý chất lượng, HIA – công cụ đánh giá tác động sức khỏe, IHWM – Quản lý nước thải tại nguồn, SANMAP – bản đồ vệ sinh, SOP – Qui trình thực hiện dự án… 

Ô nhiễm từ một làng nghề tái chế giấy ở Bắc Ninh. Ảnh: Monre.gov.vn

Việc phát triển DEWATS trong xử lý nước thải đã tiến thêm một bước với việc ứng dụng, sản xuất các modul đúc sẵn bằng vật liệu tổng hợp (composite) có công suất phù hợp, linh hoạt trong xây lắp, tiết kiệm thời gian trong quá trình triển khai các hệ thống xử lý nước thải. Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ (đặc biệt là nồng độ ô nhiễm cao) với chi phí xây dựng và chi phí vận hành thấp so với các giải pháp khác. Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, dễ dàng lôi kéo cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. 

Nắm bắt được nhu cầu xử lý nước thải ô nhiễm hữu cơ rất lớn trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam, từ năm 2008 tổ chức BORDA đã đề xuất chương trình Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên khu vực Đông Nam Á trong đó mục tiêu tại Việt Nam là phổ biến Giải pháp DEWATS. Đến nay, chương trình đã thực hiện được trong các giai đoạn 2008 - 2010, 2011-2013, 2014 - 2016. Cách tiếp cận đã triển khai thực hiện nhằm cung cấp một dịch vụ vệ sinh với hiệu quả hoạt động thân thiện với môi trường và bền vững trong vận hành cho các lĩnh vực có nguồn nước thải hữu cơ, DEWATS được kỳ vọng là một hướng đi tiềm năng trong quá trình thực hiện các mục tiêu về cải thiện môi trường của chính phủ Việt Nam. 

Giai đoạn 2017-2019, với cách tiếp cận mới theo mô hình: vệ sinh tích hợp nhằm lồng ghép tổng thể các giải pháp kỹ thuật, công trình cùng với các giải pháp cơ chế chính sách, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức, các giải pháp phi công trình nhằm nâng cao hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp quốc. Cũng tại Hội nghị về Môi trường sống Đô thị lần thứ 3 (UN Habitat III), vấn đề môi trường được tập trung thảo luận và cách tiếp cận "vệ sinh tích hợp" là định hướng cải thiện môi trường và phù hợp cho khu vực đô thị ở Việt Nam. 

Trong hai giai đoạn thực hiện phổ biến DEWATS tại Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và Tổ chức BORDA Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng DEWATS cho các loại hình nước thải khác nhau như: nước thải sinh hoạt khu dân cư, nước thải sinh hoạt bệnh viện, nước thải chăn nuôi giết mổ… và kết quả đã cho hiệu quả tốt. Có thể kể đến các dự án đã và đang được triển khai từ năm 2008 đến nay, ví dụ, năm 2008 xử lý nước thải xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội với công suất 40m3/ngày; Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với công suất 400m3/ngày; năm 2016, xử lý nước thải tại Trang trại chăn nuôi lợn tại Trực Ninh, Nam Định (3 mô hình) với công suất 20m3/ngày và năm 2017 cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại Làng nghề chế biến bún xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh với công suất 400m3/ngày…Như vậy, có thể thấy giải pháp xử lý nước thải phân tán DEWATS có thể được áp dụng phù hợp với nhiều nguồn nước thải khác nhau, ở các quy mô khác nhau…xử lý nước thải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định. 

Tại cuộc họp thường niên của tổ chức Nước thế giới (IWA) tổ chức vào tháng 3/2010 tại Surabaya, Indonesia thì DEWATS đã được IWA khuyến nghị sử dụng trong lĩnh vực xử lý nước thải phân tán. Hiện tại, giải pháp xử lý nước thải Phi tập trung (DEWATS) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là Tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 909/TCTL-KHCN ngày 9/12/2016. Theo đó, công nghệ DEWATS được sử dụng trong xử lý nước thải ô nhiễm hữu cơ trên phạm vi toàn quốc. 

Cần định hướng phát triển bền vững 

Bên cạnh những kết quả trên, một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện phổ biến DEWATS tại Việt Nam sẽ giúp việc phổ biến DEWATS trong giai đoạn tới được hiệu quả hơn. Cụ thể, với cách tiếp cận theo nhu cầu của đa dạng các đối tượng: từ các đơn vị tư nhân, các tổ chức cộng đồng, các địa phương đến các chương trình quốc gia, cấp tỉnh và các dự án vệ sinh môi trường từ nhà tài trợ quốc tế là nơi tốt nhất để thực hiện công việc này. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự tham gia của cộng đồng trong việc tham gia quản lý môi trường tại địa phương là rất quan trọng để dự án DEWATS hoạt động bền vững. 

Ngoài ra, việc đào tạo, tăng cường năng lực, nhân sự làm chủ các kỹ thuật của DEWATS cần tiếp tục triển khai, phổ biến để đảm bảo áp dụng đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật của DEWATS ở phạm vi rộng khắp. Việc quản lý vận hành công trình xử lý nước thải DEWATS rất đơn giản, tuy nhiên vẫn cần vận hành theo hướng dẫn để không dẫn tới sự cố đáng tiếc hoặc làm giảm hiệu quả xử lý nước thải trong việc vận hành công trình. 

Với sự hoạt động ổn định và hiệu quả trong các dự án DEWATS điển hình và nhu cầu thực tiễn rất lớn trong lĩnh vực xử lý nước thải, chiến lược về bảo vệ môi trường của chính phủ Việt Nam và sự quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và tổ chức BORDA định hướng kế hoạch hoạt động trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục phổ biến kỹ thuật DEWATS như đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thực hiện dự án DEWATS cho các dự án có hoạt động cải thiện môi trường sử dụng giải pháp này. Đồng thời, tăng cường công tác marketing, giới thiệu tới các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các nhà tài trợ và chương trình quốc tế để giải pháp DEWATS được biết đến nhiều hơn. Tăng cường nghiên cứu, áp dụng và nhân rộng giải pháp DEWATS cho các nguồn thải khác nhau cần được nghiên cứu chi tiết để có đề xuất phù hợp. 

Bên cạnh đó, phát triển lồng ghép giải pháp xử lý nước thải phân tán DEWATS với các công cụ hỗ trợ phù hợp trong việc triển khai thí điểm mô hình vệ sinh tích hợp nhằm phát huy một cách tối đa vai trò tổng thể trong hoạt động xử lý nước thải và bảo vệ môi trường bền vững tại các đô thị, khu ven đô, làng nghề và các địa phương trên cả nước.

Diệu Thúy (TTXVN)