12:07 25/12/2014

Xử lý người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác quản lý các đối tượng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú nhất định.

Nhằm đảm bảo trật tự xã hội, xây dựng môi trường lành mạnh và hình ảnh mỹ quan đô thị cho thành phố, đặc biệt trong dịp lễ Tết và các ngày kỷ niệm lớn trong năm 2015, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác quản lý các đối tượng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, không có nơi cư trú nhất định.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND thành phố đã có Quyết định, theo đó từ ngày 28/12/2014 các cơ quan chức năng trên địa bàn đẩy mạnh việc rà soát các tuyến đường, địa điểm để đưa người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định tập trung vào các trung tâm xã hội. Tiếp nhận các đối tượng này, thành phố giao Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần và Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ) quản lý, lập hồ sơ phân loại các đối tượng.

Người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong một lần được rà soát, tập trung về trụ sở phường. Ảnh: sggp.org.vn


Qua công tác rà soát, tập trung, nếu đối tượng là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc bệnh về thần kinh, tâm thần thì đưa về Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần, các đối tượng khác sẽ đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Hai trung tâm này sẽ đưa các đối tượng về địa phương nơi cư trú hoặc giải quyết hồi gia nếu xác minh đối tượng có nơi cư trú nhất định. Trong trường hợp nếu được xác định không có nơi cư trú nhất định, các đối tượng sẽ được giữ lại nuôi dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần hoặc chuyển vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội tùy trường hợp.

Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, qua khảo sát trên địa bàn thành phố, người ăn xin, sống nơi công cộng tập trung nhiều ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh và một số quận trung tâm như Quận 1,3, 4, địa bàn giáp ranh quận 5 và quận 10, Phú Nhuận. Để công tác tập trung các đối tượng có hiệu quả, Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp tục tăng cường rà soát trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm, trực đường dây nóng 24/24 để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, phối hợp kịp thời với các quận, huyện tập trung đúng đối tượng theo quy định.

Một số quận, huyện cho biết công tác tập trung người ăn xin lang thang và người không có nơi cư trú trên địa bàn thời gian qua nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người dân. Để tránh tình trạng các đối tượng di chuyển từ địa bàn này qua địa bàn khác các địa phương, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, để tập trung có hiệu quả.

Theo ông Lê Chu Giang, mỗi năm Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận khoảng 2.000 lượt người ăn xin, người sống ở nơi công cộng để làm hồ sơ phân loại đối tượng. Hiện nay Trung tâm tiếp nhận hơn 200 người từ các quận huyện chuyển về. Mặt khác, thành phố cũng có 16 Trung tâm Bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng hơn 6.500 người, trong đó có 6 Trung tâm chuyên nuôi dưỡng các nhóm đối tượng người cao tuổi, bại liệt, tàn tật, trẻ em, thanh thiếu niên… thường xuyên tiếp nhận các đối tượng từ Trung tâm Hỗ trợ xã hội chuyển qua.

Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong công tác quản lý xã hội trên địa bàn thành phố với hướng giải quyết mang tính căn bản, thiết thực, đi vào chiều sâu và bền vững. Chủ trương của thành phố là tập trung tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng ăn xin trên đường phố, người dân có lòng hảo tâm có thể ủng hộ các quỹ từ thiện của các tổ chức, đơn vị có chức năng làm công tác từ thiện xã hội để hỗ trợ các đối tượng.

Theo quy định của Thành phố Hồ Chí Minh, những người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định sẽ được chuyển đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố để nuôi dưỡng, chăm sóc trong vòng tối đa 3 tháng. Trong thời gian này, các đối tượng được học văn hóa, học nghề và tham gia lao động sản xuất cho phù hợp để có thể hội nhập cộng đồng khi trở về địa phương.

Bên cạnh nguồn lực Nhà nước, thành phố cũng huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích người dân, các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ thực hiện các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng tại các trung tâm như văn hóa văn nghệ, học nghề, sinh hoạt khác để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm.

Ông Lê Chu Giang cho biết thêm, phần lớn các đối tượng ăn xin, sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố từ các tỉnh, thành khác đến. Vì vậy, sau khi xác minh, đối tượng nếu có địa chỉ nơi cư trú sẽ chuyển về địa phương. Để giải quyết căn cơ vấn đề này cần có sự phối hợp từ các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động gia đình quản lý không để các đối tượng tiếp tục đi lang thang. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, từ đó ổn định đời sống người dân, hạn chế số lượng người lang thang ăn xin đến thành phố.


Thu Hoài
(TTXVN)