10:07 24/10/2013

Xử lý nghiêm người lái xe uống bia rượu

Từ tháng 10 đến hết tháng 12/2013, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đồng loạt ra quân, thực hiện tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Từ tháng 10 đến hết tháng 12/2013, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đồng loạt ra quân, thực hiện tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.


Đợt tuyên truyền này huy động sự tham gia của lực lượng gồm các sở, ngành, tổ chức đoàn thể. Hình thức tuyên truyền được tiến hành qua hệ thống truyền thông đại chúng, tại các trường học, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các tổ dân phố... Nội dung tuyên truyền tập trung vào tác hại của lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe và trật tự ATGT; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu bia; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với người lái xe uống rượu bia. Những nội dung tuyên truyền còn được phổ biến rộng rãi đến các tổ chức chính trị, đoàn thể ở cấp cơ sở.

 

Kiểm tra nồng độ cồn góp phần hình thành ý thức tự giác cho người điều khiển phương tiện, không sử dụng rượu bia khi lưu thông.

 

Khuyến khích cộng đồng tích cực hưởng ứng hoạt động “Phòng, chống người lái xe uống rượu bia” trong Chương trình “Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, biểu dương gương người tốt, việc tốt, đồng thời phê phán các hành vi vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là việc sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.


Qua đánh giá của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam với dân số 90 triệu người, lượng tiêu thụ bia hằng năm từ 2011 đến 2016 sẽ tăng 10% mỗi năm. Hiện mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng gần 30 lít mỗi năm, đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ tư châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Kết quả khảo sát tại một số bệnh viện lớn, hơn 30% các ca tử vong giao thông đường bộ và 60% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu (BAC) vượt quá giới hạn cho phép. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thương tích do tai nạn đường bộ tại Việt Nam. Tỉnh Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số vụ tai nạn giao thông cao do uống rượu bia gây ra.


Theo quy định của pháp luật, người điều khiển ô tô trên đường, trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị phạt từ 500 - 1 triệu đồng. Nếu người điều khiển ô tô, nồng độ cồn trong máu vượt quá 80 miligam/100 mililít, hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt 10-15 triệu đồng; người điều khiển mô tô, xe gắn máy, mức vi phạm này bị phạt 2-3 triệu đồng.


Qua công tác tuyên truyền, xử lý sẽ nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông về quy định nồng độ cồn. Đồng thời nâng cao năng lực, khả năng phối hợp của các cấp, ngành trong thực hiện quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng trong xử lý các hành vi vi phạm… Từ đó, từng bước hình thành thói quen, ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật về nồng độ cồn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.


Hoài Thương