11:05 29/11/2014

Xử lý các trường hợp tín nhiệm thấp thuộc thẩm quyền của cơ quan Đảng

Buổi họp báo sau phiên bế mạc Quốc hội chiều 28/11 do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì, đã diễn ra với nhiều nội dung đáng quan tâm.

Buổi họp báo sau phiên bế mạc Quốc hội chiều 28/11 do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì, đã diễn ra với nhiều nội dung đáng quan tâm.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN



Đề cập tới vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trên hội trường, nhưng kết quả biểu quyết trên 80%, đã thể hiện sự tán đồng của đại biểu với các nội dung sửa đổi của Nghị quyết 35.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc lấy phiếu của đại biểu nhằm thăm dò tín nhiệm đối với các chức danh, sẽ là cơ sở cho việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ sau này. Vì vậy, đối với các trường hợp liên tiếp hai lần có tỷ lệ tín nhiệm thấp, theo ông Phúc, chắc chắn các vị Bộ trưởng - trưởng ngành này, sẽ phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Còn việc có luân chuyển hay không với các trường hợp này, theo ông Phúc, là thuộc thẩm quyền của cơ quan Đảng.
Trả lời câu hỏi liệu có nên xem xét tư cách của đại biểu Hoàng Hữu Phước khi có những “xung đột” với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ông Phúc cho biết, Đoàn Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có trao đổi trong đoàn để các đại biểu rút kinh nghiệm, thông cảm với nhau. “Các đại biểu tự giải quyết, chưa đến mức phải đưa ra Quốc hội” - ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc đại biểu vắng mặt quá nhiều trong các phiên họp Quốc hội, cả ở thảo luận tổ và hội trường, là có căn nguyên. Quốc hội chỉ có 25% đại biểu chuyên trách, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm, trong khi đó thời gian họp lại rất dài. Nhiệm vụ nào với đại biểu kiêm nhiệm cũng quan trọng, vì thế việc dự họp đầy đủ cũng hết sức khó khăn.

Cũng theo Chủ nhiệm VPQH, đã có những góp ý cải tiến kỳ họp để đại biểu được tham gia đầy đủ các kỳ họp như ngắt đôi kỳ họp, nhưng việc này sẽ đẩy chi phí lên rất cao và không liên tục nên không thể tiếp thu ý kiến này. Theo ông Phúc, cũng có thể do chương trình kỳ này dài, chưa có kỳ họp nào mà công tác lập pháp lại nhiều đến thế, thông qua 18 luật, 5 Nghị quyết và cho ý kiến 12 dự luật, đồng thời cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng khác, nên mới có sự vắng mặt của nhiều đại biểu tại kỳ họp này. Ông Phúc cho rằng, các đại biểu đã rất cố gắng duy trì kỳ họp, dù thừa nhận việc này khiến nhiều cử tri chưa hài lòng và mong cử tri “thông cảm cho đại biểu vì còn nhiều công việc phải kiêm nhiệm”.

Giải đáp băn khoăn của phóng viên về các bước tiếp theo sau khi Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết sau Kỳ họp này, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức các hội thảo, tham khảo ý kiến chuyên gia; Bộ Giao thông Vận tải sẽ có giải trình, làm rõ về các nội dung đại biểu Quốc hội đã nêu qua các phiên thảo luận để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

H.V