07:08 10/07/2025

Xu hướng xanh hóa trong ngành 'công nghiệp không khói'

"Du lịch xanh" dựa trên nền tảng khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên, nhân văn đã và đang trở thành hướng đi được nhiều cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long lựa chọn.

Đây không chỉ là giải pháp bảo tồn thiên nhiên, văn hóa đặc trưng miền sông nước, mà còn là đòn bẩy giúp ngành công nghiệp không khói Vĩnh Long chuyển mình, định vị thương hiệu xanh, hướng tới sự phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện, chủ nông trại "Người giữ rừng" hướng dẫn du khách chế biến món hàu được khai thác tại chỗ.

Tại xã Thạnh Phước, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Vàng - chị Trịnh Thị Ngọc Hiện sau nhiều năm trăn trở, học hỏi đã thực hiện thành công mô hình du lịch sinh thái. Năm 2020, vợ chồng anh bắt tay vào xây dựng và lan tỏa mô hình du lịch sinh thái “Người giữ rừng”, khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng, tái tạo tài nguyên để hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Anh Nguyễn Tấn Vàng chia sẻ, quyết định khởi nghiệp trên vùng đất ngập mặn, mong muốn lớn nhất của vợ chồng anh là vừa giữ rừng vừa khai thác tiềm năng du lịch. Vợ chồng anh cùng người dân giữ rừng, trồng rừng và khai thác những lợi ích từ rừng mang lại cho con người. Khách đến với nông trại sẽ được trải nghiệm trồng rừng, với loài cây chủ lực là cây đước. Những cây đước lớn lên không chỉ phủ xanh cho một vùng đất, mà còn là "mái nhà" cho các loài cua, ốc, sò, cá, tôm... sinh trưởng

Chị Trịnh Thị Ngọc Hiện cho biết thêm, trồng rừng tạo ra thảm thực vật sinh trưởng đa dạng. Hằng ngày, lá cây, vỏ cây, nhánh cây rơi tự nhiên xuống lòng nước phân hủy, tạo ra vi sinh vật có lợi cung cấp dinh dưỡng trở lại cho cây rừng, đồng thời làm thức ăn cho các loại thủy sản, trở thành hệ sinh thái hoàn chỉnh… Nông trại cũng hướng khách du lịch trải nghiệm nhiều hoạt động gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn như đi xuồng vào rừng bẫy cua, bắt vẹm, hàu, giăng lưới bắt cá tại những khu vực cho phép. Thủy hải sản chỉ được đánh bắt thành loại trưởng thành, không bắt thủy sản con hay đang vào kỳ chuẩn bị sinh sản.

Theo chị Hiện, làm du lịch phải có trách nhiệm, muốn phát triển bền vững thì không sử dụng tài nguyên một cách triệt để cạn kiệt mà ngược lại cần bồi dưỡng và tu bổ cho nó. Nhờ tâm huyết này của đôi vợ trẻ, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, mô hình “Người giữ rừng” đã mang lại những giá trị thiết thực cho người dân sinh sống dưới tán rừng ngập mặn trên sông cửa Đại, nhất là đảm bảo được sinh kế, để bà con yên tâm bám đất, giữ rừng. Hiện, nông trại này giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định hằng tháng.

Anh Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Truyền thông và Du lịch C2T (phường Phú Khương) là một trong những người tiên phong của mô hình du lịch bền vững Net Zero Tours tại Cù lao Bảo. Anh Phong cho biết, dự án này đã đoạt giải nhất Giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 trong lĩnh vực marketing bởi dự án có tầm nhìn đột phá về du lịch bền vững, kết hợp giữa trải nghiệm du lịch thú vị và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kết nối con người với thiên nhiên, xây dựng mô hình du lịch xanh tiên phong và đóng góp cho cộng đồng, môi trường.

Xuất thân từ nông dân, anh Võ Văn Phong đã tận dụng hiểu biết sâu sắc về văn hóa và sinh kế địa phương để phát triển sản phẩm du lịch gắn chặt cộng đồng nông dân và bảo vệ môi trường. Anh không ngừng sáng tạo, kết hợp hợp tác nghiên cứu cùng Viện 3AI (Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp) thiết kế "Hộ chiếu Xanh" (Net Zero Passport) giúp du khách tự theo dõi và bù đắp dấu chân carbon cá nhân ngay trong hành trình từ tháng 3/2024. Theo anh Phong, mô hình không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn tối thiểu hóa tác động tiêu cực đến cộng đồng, văn hóa và môi trường, làm du lịch theo hướng “tác động thấp” thực sự.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm chương trình "Net Zero Tours" tại Cù lao Bảo do anh Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T thực hiện. 

Anh Phong cho biết, để giảm thải tác động xấu đến môi trường, Net Zero Tour Bến Tre ưu tiên sử dụng thuyền chèo tay hơn là thuyền máy, đi xe đạp hoặc đi bộ hơn là ô tô, sử dụng dụng cụ ăn uống bằng nguyên liệu tự nhiên thay vì nhựa… Việc chọn mua tôm do ngư dân đánh bắt ở sông cũng là con tôm lớn, tôm đang không ở giai đoạn mang trứng. Du khách được gợi ý thả lại những con tôm đang ôm trứng, tôm nhỏ về sông. Du khách thay vì rửa tay bằng xà phòng sau bữa ăn sẽ được hướng dẫn dùng hoa bần (loài cây mọc ven sông) để giúp làm sạch và xóa bỏ mùi tanh của tôm, cá… Đặc biệt, việc tổ chức trồng cây để bù carbon đã phát thải ra môi trường là hoạt động thiết yếu trong chuyến đi cho du khách. Đây là hành động thuần tự nhiên để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Truyền thông và Du lịch C2T giúp du khách hiểu và ý thức việc bảo tồn thiên nhiên, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và góp phần giảm phát thải carbon.

Lúc mới làm du lịch, anh Phong kỳ vọng sẽ đón tiếp thật nhiều khách nhưng bây giờ anh giới hạn về số lượng. Bởi theo anh, muốn làm du lịch để bảo tồn văn hóa và không gây hại đến môi trường thì không thể đón tiếp một lúc quá nhiều người hoặc quá nhiều khách trong một năm mà thay vào đó là chọn lọc khách hàng phù hợp để tour tuyến được đảm bảo.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Lâm Hữu Phúc, xu hướng "xanh hóa" và "bền vững hóa" các hoạt động du lịch không chỉ là một xu thế mà còn là một yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là con đường để Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung xây dựng một ngành du lịch thực sự có trách nhiệm, mang lại giá trị lâu dài cho cả du khách và cộng đồng địa phương.

Ông Lâm Hữu Phúc chia sẻ, “xanh hóa” và "bền vững hóa" giúp giảm thiểu lượng rác thải, ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn và sự phá hủy cảnh quan do hoạt động du lịch gây ra. Khi du lịch phát triển bền vững, các khu vực tự nhiên, động vật hoang dã và hệ sinh thái quý hiếm được bảo vệ tốt hơn. Điều này bao gồm việc kiểm soát số lượng du khách, hạn chế xây dựng trong các khu vực nhạy cảm và nâng cao nhận thức về bảo tồn. Mặt khác, du lịch bền vững khuyến khích việc tôn trọng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử và phong tục tập quán của địa phương. Đặc biệt, các hoạt động du lịch xanh thường đi kèm với việc giáo dục du khách và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tài nguyên, qua đó sẽ tạo ra một ý thức chung về trách nhiệm đối với môi trường.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trải nghiệm tại rừng đước tại nông trại "Người giữ rừng".

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho rằng, du khách ngày nay càng quan tâm các điểm đến và dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường, xã hội. Việc “xanh hóa” giúp các địa phương và doanh nghiệp nổi bật, thu hút lượng khách du lịch có ý thức, sẵn lòng chi trả cao hơn cho các trải nghiệm bền vững. Bên cạnh đó, du lịch bền vững thường ưu tiên sử dụng lao động địa phương, mua sắm sản phẩm và dịch vụ từ các nhà cung cấp tại chỗ, điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng và giảm thiểu tình trạng di cư lao động.

Hướng đi "xanh hóa" và "bền vững hóa" thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn liền với bản sắc văn hóa và thiên nhiên của địa phương, mang lại giá trị trải nghiệm cao cho du khách. Thêm vào đó, việc phụ thuộc quá mức vào các loại hình du lịch gây ô nhiễm hoặc cạn kiệt tài nguyên có thể dẫn đến rủi ro kinh tế trong dài hạn. Do đó, du lịch bền vững giúp đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào một vài yếu tố, từ đó tạo ra một nền kinh tế du lịch ổn định hơn. Đặc biệt, du lịch bền vững thường khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định và phát triển du lịch, đảm bảo lợi ích được phân chia công bằng và tiếng nói của họ được lắng nghe, ông Lâm Hữu Phúc cho biết thêm.

Ước tính, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Vĩnh Long đón trên 5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, tổng doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)